Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước nhập viện 2h trẻ đang chơi trong nhà thì bất ngờ đàn ong bay vào đốt vào đùi phải. Sau đó, bé phản ứng và đạp trúng 1 con ong nên có thêm vết đốt ở kẽ chân.
Sau khi bị ong đốt, trẻ nôn ói, đỏ da, phù ở mắt, môi tái nên người nhà cho trẻ nhập viện địa phương sơ cứu. Bệnh nhi được chuyển Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TPHCM) trong tình trạng lơ mơ, mê, tím tái, thở co kéo 42 lần/phút, mạch nhẹ chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị phản vệ độ 3 do ong đốt giờ thứ 2, suy hô hấp.
Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngay khi tiếp nhận, trẻ được thở oxy, tiêm adrenalin và truyền tĩnh mạch, truyền dịch theo phác đồ. Tình trạng trẻ cải thiện dần và hết suy hô hấp, mạch huyết áp ổn định, tỉnh táo, hết phù mặt, hết đỏ da.

Ong đốt có thể gây sốc phản vệ nặng, cần biết cách sơ cấp cứu khi gặp tình huống hy hữu này.
Trẻ được tiếp tục theo dõi thêm trong bệnh viện ít nhất 24 giờ để phát hiện sớm các tình trạng sốc muộn và biến chứng tổn thương các cơ quan gan, thận, não, tim, phổi.
Cũng theo BSTiến, khi bị ong đốt, các độc tố có trong nọc ong như Melittin, Phospholipase A, B, Hyaluronidase, Histamine, Serotonin, Acetylcholine, Acid phosphatase, Apamin,… có thể làm tổn thương thận, gan, hủy cơ, tán huyết, rối loạn đông máu, tổn thương phổi gây suy hô hấp.
Sốc phản vệ là tai biến nghiêm trọng, có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý nhanh chóng, đúng cách. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc. Sốc phản vệ có thể gặp ở bất cứ tình huống nào và vào bất cứ ai như bị ong đốt, hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ, ngửi phấn hoa, bóc hành, do thuốc kháng sinh...
Người dân cần lưu ý một số bước xử trí khi bị ong đốt như sau:
Nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra (nếu có) bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra, rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết cắn để giảm đau và giảm sưng.
Các trường hợp cần đưa đến cơ sở y tế:
- Nổi mề đay
- Tay chân lạnh, bệnh nhân kêu mệt
- Tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ
- Bị ong vò vẽ đốt >10 vết
Đề phòng ong đốt, bác sĩ Tiến khuyến cáo tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng, tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do té và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong, kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.
Nếu không may bị ong vò vẽ bay quanh người hãy thật bình tĩnh, hít thở thật sâu, thở đều, không chạy, không đập ong, khi ong nhận ra đó là người ong sẽ bay đi.