Hà Nội

Bé 23 tháng tuổi tử vong vì hóc hạt nhãn

17-08-2016 15:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tin từ BV A Thái Nguyên cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cháu bé 23 tháng tuổi bị tử vong trên đường đến BV vì hóc hạt nhãn.

Tin từ BV A Thái Nguyên cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cháu bé 23 tháng tuổi bị tử vong trên đường đến BV vì hóc hạt nhãn. BSCK II Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc BV cho biết, cháu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở, các bác sĩ Hồi sức cấp cứu bệnh viện A với tinh thần “còn nước còn tát”đã nỗ lực hết sức nhưng cháu bé vẫn không qua khỏi.

Trước đó, vào tối ngày 16/8, facebook có tên B.B đã đưa tin về trường hợp này. Ngay lập tức, bài viết này đã nhận được tới gần 20 nghìn lượt chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn và dấy lên sự quan tâm cảnh báo trong cộng đồng mạng.

Theo đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay đang vào mùa nhãn, mùa na, nguy cơ trẻ bị hóc dị vật nói chung và hóc hạt nhãn rất cao nếu bố mẹ không cẩn trọng.

Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc, sặc dị vật cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh. Cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật. Hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, việc sơ cứu hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời chỉ sau 5 - 6 phút, dị vật đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Do đó,  khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột. Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở.

- Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: đặt nằm đầu thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này.


Tuệ Khanh
Ý kiến của bạn