Viêm màng não mủ là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu nội khoa ngay lập tức, vì tiên lượng nặng, dễ tử vong. Nếu may mắn điều trị khỏi, người bệnh có thể gặp các di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, điếc, liệt… hoặc một số tổn thương nghiêm trọng khác.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, cứ 20 trẻ bị bệnh viêm màng não sẽ có 1 trẻ tử vong, nếu may mắn sống sót thì 20 - 25% trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề về thần kinh như rối loạn tâm thần, điếc, liệt, khó khăn trong kiểm soát hành vi và nhận thức… hoặc một số tổn thương nghiêm trọng khác.
Nguyên nhân gây viêm màng não mủ
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng não mủ, trong đó có thể do nhiều loại vi khuẩn khác nhau như: Haemophilus Influenzae (vi khuẩn Hib), Neisseria Meningitidis (vi khuẩn não mô cầu), Streptococcus Pneumoniae (vi khuẩn phế cầu)… Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi hoặc miệng, rồi di chuyển lên não gây viêm màng não mủ.
Ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn gây viêm màng não mủ thường gặp là vi khuẩn Escherichia Coli, vi khuẩn Listeria, liên cầu khuẩn nhóm B. Tuy nhiên, tần suất gây bệnh của từng loại vi khuẩn, nấm gây viêm màng não mủ tùy thuộc vào độ tuổi cũng như một số yếu tố nguy cơ liên quan đến sức đề kháng cơ thể.
Ai cũng có thể mắc viêm màng não mủ, song tác nhân gây viêm màng não mủ có thể đã xâm nhập, tồn tại ở hệ hô hấp trong thời gian dài, khi gặp yếu tố thuận lợi sẽ tấn công lên não bộ, gây viêm màng não mủ.
Những đối tượng có nguy cơ cao dễ bị các mầm bệnh xâm nhập gây bệnh viêm màng não mủ, gồm:
- Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, trẻ bị ngạt sau sinh, mẹ bị nhiễm trùng ối hoặc sốt lúc mang thai…
- Người bị suy giảm miễn dịch: Người già, người nhiễm HIV/AIDS, người điều trị thuốc ức chế miễn dịch, người mắc các bệnh lý nền như tổn thương ở tai, viêm xoang, chấn thương sọ não…
- Người bị nghiện rượu.
Không chỉ ở trẻ em, người lớn cũng có thể mắc viêm màng não mủ, với nguyên nhân thường gặp là phế cầu khuẩn, não mô cầu, tụ cầu khuẩn từ tai mũi họng, phổi theo đường máu vào trong não. Hoặc vi khuẩn có thể trực tiếp đi vào não sau chấn thương nứt vỡ sọ. Những người bị viêm xoang, chấn thương sọ não, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… đều dễ mắc viêm màng não mủ.
Dấu hiệu viêm màng não mủ
Tùy theo tác nhân gây bệnh mà thời gian ủ bệnh viêm màng não mủ là khác nhau, thông thường là từ 2 - 10 ngày. Các triệu chứng của viêm màng não mủ thường khởi phát đột ngột như: Sốt cao, nôn ói, đau đầu, cứng gáy, mệt mỏi, nhạy cảm với ánh sáng, xuất huyết hoặc ban xuất huyết với hình dạng bất thường trên da… Trong đó, đau đầu dữ dội, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau là triệu chứng đặc trưng nhất để nhận biết bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, tùy từng độ tuổi mà bệnh viêm màng não mủ sẽ có những dấu hiệu cảnh báo riêng biệt, cụ thể:
Biểu hiệu viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi:
- Trẻ sinh non, nhiễm trùng ối, ngạt sau sinh… có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Triệu chứng không rõ rệt, trẻ có thể không sốt, thậm chí còn hạ thân nhiệt.
- Hội chứng màng não: Triệu chứng kín đáo và dễ nhầm lẫn, trẻ bỏ bú, nôn trớ, thở rên, thở không đều hoặc có cơn ngừng thở, thóp phồng căng nhẹ, bụng chướng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ, co giật…
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao đột ngột, viêm long đường hô hấp trên, quấy khóc hoặc li bì, mệt mỏi, ăn uống kém, da tái xấu.
- Hội chứng màng não: Buồn nôn, nôn ói, đau đầu (ở trẻ nhỏ thường quấy khóc hoặc khóc thét từng cơn), sợ ánh sáng.
- Các biểu hiện khác: Hôn mê, co giật, liệt, xuất huyết hoặc ban xuất huyết (trong nhiễm não mô cầu).
Phòng ngừa viêm màng não mủ
Viêm màng não mủ do vi khuẩn có thể lây trực tiếp từ người qua đường hô hấp, khi người lành tiếp xúc gần như ôm hôn hoặc hít phải giọt bắn, chất tiết có vi khuẩn gây bệnh.
Điều đáng nói vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hầu như đều xuất hiện trong không khí và có nguy cơ xâm nhập vào đường hô hấp. Do vậy, cần chủ động dự phòng bằng các biện pháp và luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc với mầm bệnh, nhất là lúc tiếp xúc với người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các loại dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh nhà ở, khu vực làm việc, các vật dụng sinh hoạt thường dùng sạch sẽ, thoáng mát, để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân.
Duy trì thói quen ăn chín uống sôi và luôn luôn tránh xa các thực phẩm tái sống như tiết canh, nem, gỏi hải sản sống… để phòng ngừa các yếu tố lây nhiễm.
Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai – mũi – họng ở trẻ nhỏ, người lớn.
Vệ sinh tai – mũi – họng hằng ngày.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng – vận động – nghỉ ngơi khoa học để nâng cao thể trạng, vừa duy trì được một sức khỏe tốt, vừa tạo một lớp bảo vệ ngay từ bên trong, để phòng tránh hiệu quả các tác nhân.
Thăm khám định kỳ: Duy trì việc kiểm tra sức khỏe khoảng 6 tháng/lần là vô cùng quan trọng, vì sẽ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo và điều trị bệnh kịp thời nếu có.
Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine, trong đó có viêm màng não mủ theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, Đà Nẵng tiếp nhận cháu H.M 20 ngày tuổi nhập viện vì bị sốt cao, kèm với bú mẹ ít, đại tiện phân nhầy… Người nhà của cháu cho biết, ban đầu cháu chỉ bị sốt nhẹ, nhưng sau đấy nhiệt độ tăng dần và sốt cao liên tục, gia đình lo lắng nên đưa cháu đi viện.
Sau khi thăm khám và đánh giá các triệu chứng lâm sàng, nghi ngờ cháu H.M bị viêm màng não mủ đi kèm bệnh lý viêm ruột, các bác sĩ đã hội chẩn khẩn và quyết định tiến hành chọc dịch não tủy cho cháu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy nhận định ban đầu của các bác sĩ là đúng và cháu H.M được điều trị theo đúng phác đồ. Sau 21 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, cháu H.M đã được xuất viện với sức khỏe tốt.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-