Hà Nội

Bé 2 tuổi bỏng nặng do uống nhầm nước tẩy bồn cầu, bác sĩ chỉ cách sơ cứu đúng

16-08-2023 15:05 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Mặc dù các bác sĩ đã có cảnh báo rõ ràng về mức độ độc hại của hóa chất dùng trong gia đình đối với sức khỏe, tuy nhiên, do bất cẩn, nhiều trường hợp đã vô tình uống nhầm hóa chất dẫn đến những hậu quả nguy hiểm.

Sơ cứu bỏng hóa chấtSơ cứu bỏng hóa chất

Một số loại hóa chất như acid, kiềm mạnh hoặc iod, phospho dùng trong công nghiệp hoặc vôi mới tôi có thể gây nên tổn thương bỏng nặng và làm nạn nhân rất đau đớn. Do đó cần phải sơ cứu nhanh chóng và đúng cách trước khi đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Bỏng họng vì uống nhầm hóa chất tẩy rửa

Trên toàn thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ, đây thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng, chất tẩy rửa nhà vệ sinh.

Bệnh nhân ngộ độc hóa chất ăn mòn thường bị bỏng, xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài rất dễ bị hẹp thực quản, co rút các bộ phận của đường tiêu hóa. Đã có một vài ca do bỏng hóa chất gây hoại tử dạ dày, đại tràng và đã tử vong. Việc chữa trị cũng kéo dài và khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.

Tuy nhiên, trên thực tế việc trẻ nhỏ ăn hoặc uống nhầm các loại hóa chất độc hại không phải là hiếm. Nguyên nhân là do trẻ còn nhỏ, chưa ý thức và phân biệt được các loại hóa chất, nên đã dẫn đến nhiều sự việc đau lòng.

Việc ăn, uống nhầm hóa chất là một dạng tai nạn khá phổ biến ở trẻ em. Chất tẩy rửa có hai nhóm là nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit. Nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau, tùy theo từng loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải. Trường hợp nhẹ, phát hiện sớm và điều trị tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Nặng hơn gây trợt, loét nông, loét sâu và thậm chí hoại tử nặng.

Biểu hiện khi trẻ ăn, uống nhầm hóa chất thường hay ho sặc sụa, đau họng, đau miệng, đau bụng, khó thở, nặng hơn là cơ thể tím tái… Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt, do trẻ đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Những hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.

Riêng bột thông cống, theo các nhà hóa học, chúng có chứa nhiều hóa chất tẩy rửa mạnh. Thành phần hóa học chính là các Sodium Hydroxite và các Potassium Hydroxite, phụ gia có các tính chất hóa học chứa chất kiềm, nên có thể ăn mòn rất nhanh. Khi sử dụng cần tuyệt đối tránh để dính bột vào da hoặc vương vãi ra khắp nơi trong gia đình. Bởi lẽ các chất phân hủy này có thể ăn da tay và da chân, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Các gia đình có trẻ nhỏ, việc ăn nhầm càng nguy hiểm hơn nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Bé 2 tuổi bỏng nặng do uống nhầm nước tẩy bồn cầu, chuyên gia chỉ cách sơ cứu đúng - Ảnh 2.

Nếu trẻ ăn, uống nhầm hóa chất, việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng.

Sơ cứu ban đầu rất quan trọng

Theo BSCKII Lê Thanh Chương - Trưởng Khoa Hồi sức Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu trẻ ăn, uống nhầm hóa chất, việc sơ cứu ban đầu là rất quan trọng, tuy nhiên không ít bậc cha mẹ mắc phải sai lầm. Thực tế cho thấy, đa phần cha mẹ khi thấy con uống nhầm hóa chất đều rất hoảng sợ, thậm chí vội vàng hô hấp nhân tạo hay móc họng gây nôn cho con. Khi không biết hóa chất trẻ uống nhầm là gì, nếu thực hiện những cách này sẽ gây thêm nguy hiểm cho trẻ.

Điều này là do các chất có tính kiềm, axit, xăng dầu… việc kích thích nôn làm trẻ ho nhiều hơn, khiến hóa chất tràn vào khí quản. Hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp sẽ gây ngộ độc, bỏng khí quản, nặng hơn có thể suy đa tạng, nguy hiểm đến tính mạng. Còn khi hô hấp nhân tạo, người thực hiện vô tình hít phải khí này sẽ gây ngộ độc, vì các chất này dễ bay hơi.

Cách xử lý an toàn nhất là cần bình tĩnh xem loại hóa chất trẻ ăn, uống phải. Với các hóa chất bay hơi, các loại axit như nước tẩy bồn cầu, acetone… (xà phòng tắm, nước rửa bát, dầu gội…) nên cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ, để có thể trung hòa lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể.

Cách xử trí ban đầu cần thiết khi trẻ uống nhầm dầu hỏa, đó là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng. Sau đó cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được điều trị.

Nhiều cha mẹ cầu kỳ pha nước chanh, nước muối hay dung dịch điện giải cho trẻ uống, việc này không cần thiết mà còn mất thêm thời gian vàng sơ cứu. Điều cần lưu ý là khi uống cần tránh để trẻ bị sặc nước, vì sẽ khiến trẻ gặp nguy hiểm hơn.

Chúng ta cần chú ý, trường hợp trẻ uống nhầm hóa chất trong nông nghiệp thì phải gây nôn càng sớm càng tốt. Phụ huynh cho trẻ nằm thấp để tránh bị sặc vào phổi, hoặc có thể cho trẻ uống than hoạt tính để hấp thụ chất độc. Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc.

Bé 2 tuổi bỏng nặng do uống nhầm nước tẩy bồn cầu, chuyên gia chỉ cách sơ cứu đúng - Ảnh 3.

Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Ảnh minh hoạ.

Cách phòng tránh ngộ độc hóa chất ở trẻ

BS. Chương khuyến cáo, nên để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ. Những chất có độc tính cao như các hóa chất diệt côn trùng, dung môi pha sơn… cần để những hộp riêng, có khóa, không để ở tầm với của trẻ.

Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất. Ngược lại không đựng các hóa chất vào các vỏ chai vốn đựng nước uống như Lavie, trà C2… nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Trong trường hợp tận dụng vỏ chai nước khoáng để đựng dung dịch, cần phải ghi rõ loại hóa chất, không để trên mặt bàn hoặc nơi để đồ uống và để xa tầm với của trẻ.

Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo không nên để trẻ tự chơi một mình, cần có người lớn hướng dẫn và theo dõi chăm sóc trong quá trình vui chơi.

Khi có trẻ nhiễm độc khi uống phải các hóa chất thường dùng trong gia đình, cần chú ý tìm hiểu các thông tin dưới đây:

‎- Tên sản phẩm: Thường được ghi rõ ràng trên các vỏ bao bì, túi đựng hoặc chai lọ. Cần đọc chính xác, đánh vần từng chữ cái, chú ý tên và địa chỉ nhà sản xuất, thời hạn trên nhãn mác và các thông tin chi tiết liên quan đến thành phần và độc tính của sản phẩm.

‎- Số lượng uống, thời gian tiếp xúc (để đảm bảo chắc chắn nên hỏi lại bệnh nhân nhiều lần)

‎- Có uống kèm loại hóa chất gì khác không?

‎- Đã có những triệu chứng, dấu hiệu, biểu hiện gì của ngộ độc?

‎- Các thông tin này nếu được cung cấp đầy đủ cho bác sĩ, sẽ giúp chẩn đoán nhanh chóng và xử trí đúng hướng ngay từ đầu, giúp khắc phục được bệnh tật.

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi hai tuổi bị bỏng nặng do hóa chất. Theo người nhà cho biết, bệnh nhi tưởng chai nước tẩy bồn cầu là nước ngọt nên uống nhầm. Đây là loại dung dịch có tính acid hay kiềm tùy theo hãng sản xuất, có tính ăn mòn cực mạnh (bố bệnh nhi chỉ bồng, tiếp xúc với da bệnh nhi qua lớp áo cũng bị bỏng theo).

Theo các bác sĩ, khi tiếp xúc với hóa chất sẽ gây ra hiện tượng bỏng lan tỏa, rất đau đớn và nguy cơ ảnh hưởng tính mạng là vô cùng lớn, nếu dung dịch này được uống nhầm hay hít vào đường hô hấp. Do đó, người dân, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, nên kiểm tra kỹ gia đình đang trữ loại hóa chất như: Nước thông cống, nước tẩy bồn cầu... và lưu ý để thật xa tầm tay của trẻ.

Người lớn khi sử dụng cũng phải vô cùng cẩn thận. Trường hợp không may bị dính vào người thì ngay lập tức xối bằng nước lạnh và đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

5 loại nước không nên uống nhiều khi nóng bức.

Đăng Anh
Ý kiến của bạn