Bé 13 tháng tuổi chơi cùng chị nuốt nhẫn vào bụng

14-06-2019 15:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vừa tiến hành gắp dị vật cho một trường hợp bé 13 tháng tuổi chơi cùng chị, sau khi cho chiếc nhẫn vào miệng, theo phản xạ nuốt của bé, chiếc nhẫn trôi xuống dạ dày.

Bé Lê Đ., 13 tháng tuổi, ở Tp Vinh nhập viện ngày 9/6. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trong lúc chơi đùa cùng chị gái, bé đã bỏ vào miệng ngậm 1 chiếc nhẫn. Dù đã được mẹ và chị phát hiện ra, nhưng chiếc nhẫn vẫn theo phản xạ nuốt của trẻ và trôi xuống đường ruột.

Theo các bác sĩ với cấu tạo có đính đá gồ lên mặt nhẫn, dưới tác động lực co bóp của dạ dày, dị vật đã gây nên tình trạng xước xát niêm mạc, xung huyết dạ dày của bé Đ. Với sự phối hợp của khoa Thăm dò chức năng và Nhi Sơ sinh, dị vật trong dạ dày của bé đã được lấy ra an toàn, tình trạng hoảng loạn, lo sợ của bé đã được giải quyết.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: phụ huynh cần kiểm soát được các đồ vật trẻ sử dụng, cần chú ý không cho chơi và đặt ngoài tầm tay trẻ những loại vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ như: cúc áo, đồng xu, kẹp tóc, cục pin, viên bi… vì trẻ nhỏ thường có thói quen bỏ vật lạ vào miệng, mũi, tai. Các loại dị vật này có thể kẹt ở thực quản, nguy hiểm hơn là đi vào đường thở nguy cơ gây tử vong nếu không lấy ra kịp thời.

Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên hóc dị vật mà các bác sĩ tiếp nhận, trước đó, khoa Nhi Sơ sinh cũng từng tiếp nhận 1 bệnh nhi 2 tuổi, nuốt chiếc bản lề cửa. Rất khó khăn, bác sĩ mới có thể nội soi lấy được dị vật.

Chiếc nhẫn nằm trong dạ dày của bệnh nhi.

Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp trẻ bị hóc dị vật vẫn liên tiếp xảy ra. Điều đáng nói là nếu tai nạn này không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), các bậc phụ huynh nên lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, nếu trường hợp trẻ tỉnh táo, ho được thì nên khuyến khích ho, rồi đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý. Trong trường hợp trẻ không ho được, ho không hiệu quả, hoặc không tỉnh thì cần mở thông đường thở, nghe xem trẻ còn thở không. Nếu tim ngừng đập thì cần phải ép tim ngoài lồng ngực. Nếu trẻ tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực.

Cụ thể, cho trẻ ngồi trên ghế và đặt lên cánh tay mình, cho đầu chúi xuống, nghiêng một bên, sau đó vỗ lưng 5 lần. Sau khi thực hiện các phương pháp trên, cần kiểm tra xem dị vật có ra không. Nếu dị vật vẫn bị mắc thì lật ngược trẻ dậy rồi ấn ngực trẻ nhiều lần, sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, hoặc gọi sự hỗ trợ của bác sĩ...
Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, tốt nhất không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng. Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây hóc, không nên hoảng hốt, la hét vì như vậy sẽ khiến trẻ sợ hãi và dễ bị hóc hơn. Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi…

Thêm vào đó, các bậc cha mẹ nên chú ý, trước khi cho trẻ ăn phải gỡ bỏ các hạt, mảnh xương… trong thức ăn. Bên cạnh đó, người thân trong gia đình cần quan tâm trông trẻ, không cho các bé chơi một mình xung quanh những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ.

Thậm chí, trong nhà hoặc phòng của bé chơi phải sạch sẽ, không có các vật như: Viên bi, pin, kèn, ngòi bút, lò xo... Nếu thấy trẻ ngậm vào miệng các vật nhỏ có thể gây hóc thì phải nhẹ nhàng, dỗ cho trẻ tự nhè ra; không cho tay móc miệng làm cho trẻ sợ, khóc, dễ nuốt dị vật vào thực quản hoặc hít vào đường thở.


Nguyễn Mi
Ý kiến của bạn