Sau phẫu thuật, bé bị di chứng liệt nửa người trái, yếu bên người phải, không tự đi lại được. Vì vậy, việc hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng quan trọng.
Chưa tìm ra được nguyên nhân gây dị dạng mạch máu não
Dị dạng mạch máu não gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe con người, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật. Nguyên nhân của dị dạng mạch máu não không rõ ràng.
Hầu hết người bệnh mắc từ khi sinh ra, nhưng đôi khi có thể hình thành trong cuộc sống sau này. Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính gây dị dạng mạch máu não.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, tỉ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não rất cao, có thể lên tới 5%- 10% dân số. Tuy nhiên, tỉ lệ người mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não gây biến chứng cho sức khoẻ con người khá thấp, chỉ khoảng 0,25%.
Tỉ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng bẩm sinh mạch máu não rất cao, có thể lên tới 5%- 10% dân số.
Bệnh lý nguy hiểm thường bị bỏ qua
Dị dạng động tĩnh mạch não là một rối loạn của mạch máu liên kết giữa động mạch và tĩnh mạch não. Do không có triệu chứng hay dấu hiệu nhận biết nên bệnh thường ít được phát hiện sớm.
Tuy nhiên, đây lại được xem là dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất vì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật.
Xuất huyết não nếu không được can thiệp kịp thời thì nguy cơ cao dẫn đến tử vong hoặc người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề suốt đời. Thực tế ghi nhận, nhiều người đang khỏe mạnh đnhiên bị đau đầu dữ dội nhưng chủ quan khiến cho việc điều trị muộn.
Đau đầu ở người trẻ có thể là một dấu hiệu cảnh báo dị dạng mạch máu não. Do đó, nếu xuất hiện triệu chứng đau đầu, dù chỉ là thoáng qua, người bệnh chớ xem thường.
Câu hỏi đặt ra, ai dễ mắc dị dạng mạch máu não? Thực tế cho thấy dị dạng mạch máu có thể xuất hiện ở mọi người thuộc mọi chủng tộc và giới tính với tỷ lệ gần như bằng nhau. Dị dạng mạch máu phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi từ 45 trở xuống trong các tình huống:
- Chảy máu não (50-60%)
- Đau đầu, động kinh (40-45%)
- Tình cờ (5-10%).
- Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60-70 tuổi).
Do đó, khi có biểu hiện đau đầu nhất là với những người trong gia đình có người bị dị dạng mạch máu não thì nên chủ động đi khám, tầm soát để phát hiện bệnh kịp thời.
Bởi lẽ dị dạng động tĩnh mạch não không điều trị có thể gia tăng kích thước và vỡ bất cứ lúc nào, gây xuất huyết não, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, nguy hiểm cho tính mạng.
Dị dạng mạch máu não có điều trị được không?
Dị dạng mạch máu não có thể điều trị được với mục tiêu loại bỏ khối dị dạng ra khỏi tuần hoàn não.
Khi điều trị dị dạng mạch máu não, có 3 phương pháp điều trị, và phần lớn thường sử dụng phối hợp, không điều trị tách rời là: gamma knife, DSA và phẫu thuật.
Trong đó, can thiệp tối thiểu ít nhất, ít xâm lấn nhất là điều trị bằng xạ phẫu gamma knife. Gamma knife là phương pháp dùng tia chiếu để xơ hóa búi dị dạng nhưng nếu thất bại, phải phối hợp với phương pháp DSA. Khi khối dị dạng xuất huyết tạo cái nang thì bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Một số trường hợp chống chỉ định can thiệp bằng DSA, chẳng hạn, thực hiện phương pháp này bệnh nhân sẽ cần bơm 1 lượng thuốc cản quang, vì vậy không được thực hiện đối với những bệnh nhân suy thận nặng.
Việc điều trị chỉ thực sự hiệu quả và ít để lại di chứng khi khối dị dạng chưa vỡ, nên việc phát hiện sớm và tầm soát khối dị dạng mạch là công việc được ưu tiên hàng đầu.
Tóm lại: Dị dạng mạch máu não là bệnh bẩm sinh hiện chưa rõ nguyên nhân và bệnh không thể phòng tránh. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động can thiệp, phòng ngừa các biến chứng của bệnh để có một cuộc sống khỏe mạnh thông qua việc tầm soát, phát hiện sớm dị dạng mạch não.