Bệnh nhân nhi tên là Trương Ngô T.A. (10 tháng tuổi, Bình Dương), vào cấp cứu sáng ngày 5/3/2019, Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng đau bụng, nôn ói nhiều theo cơn.
Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Cấp cứu tiến hành thăm khám và cho chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cùng với hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bé T.A. bị lồng ruột cấp và chỉ định tháo lồng ruột bằng hơi.
Thủ thuật được diễn ra ngay sau đó dưới sự hỗ trợ của máy tháo lồng bằng hơi. Chỉ sau một lần thực hiện bơm hơi với áp lực 80 mmHg, các bác sĩ đã tháo lồng thành công. Kết quả chụp C-arm cho thấy, các quai ruột đều, không còn hiện tượng lồng các đoạn ruột vào nhau.
Hiện tại, bệnh nhi ổn định và đã được xuất viện sau một ngày theo dõi.
Hình ảnh trước và sau khi can thiệp cho bệnh nhi bị lồng ruột cấp.
BS. Huỳnh Tấn Đạt - khoa Ngoại tổng quát khuyến cáo: Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào của lồng ruột, cần đưa trẻ tới bệnh viện kịp thời, tốt nhất trong vòng 24 giờ. Nếu để quá lâu thì ruột non và các mạch máu nuôi dưỡng đi kèm chui vào ruột già làm ruột bị tắc, các mạch máu bị nghẽn lại, đoạn ruột lồng sẽ bị hoại tử, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Được biết, đây là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị lồng ruột hiếm gặp (thông thường trẻ bị lồng ruột từ 2-3 tuổi) và ít bệnh viện tuyến quận/huyện có thể điều trị được.
Theo các chuyên gia, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.
Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Các bác sĩ đang tiến hành tháo lồng bằng hơi cho bệnh nhi.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên 1 số giải thích được đưa ra do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.
Đau bụng: Trẻ có biểu hiện đau bụng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
Nôn: Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.
Đại tiện ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm ngay sau cơn đau hoặc xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.
Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn.