Bẫy 'việc nhẹ, lương cao': Lời kể của người được giải cứu từ Campuchia

23-08-2022 13:27 | Xã hội
google news

Trong chuỗi ngày ở Campuchia, Y Liên, 16 tuổi, phải làm việc từ 13-16 giờ/ngày, chưa kể thời gian tăng ca nhưng do không đáp ứng được yêu cầu, em bị bán cho 6 công ty khác nhau với mức giá tăng dần.

Hơn hai ngày sau khi được bộ đội biên phòng Việt Nam phối hợp cùng lực lượng chức năng nước bạn giải cứu, Y Liên (sinh năm 2006, trú làng Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về chuỗi ngày làm việc tại Campuchia.

Trở về với vòng tay gia đình, em hy vọng câu chuyện của mình sẽ giúp cảnh tỉnh những ai đang có ý định sang nước bạn làm việc trái pháp luật với lời giới thiệu của các đối tượng về “việc nhẹ, lương cao."

Hơn 4 tháng lưu lạc

Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, Y Liên là con gái lớn nên sớm phải vất vả, phụ giúp cha mẹ chăm lo các em. Đầu tháng 4/2022, em theo chân các anh chị trong làng vào tỉnh Bình Dương, xin làm việc tại một xưởng gỗ nhằm kiếm thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình.

Cũng trong thời gian này, em được một người trên mạng xã hội facebook kết bạn, làm quen và giới thiệu công việc tại Campuchia.

Bẫy 'việc nhẹ, lương cao': Lời kể của người được giải cứu từ Campuchia  - Ảnh 1.

Y Liên đưa đưa về cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

“Người đó bảo em là sang bên đó làm app game, lương 20 triệu/tháng, em cũng không suy nghĩ gì mà đi luôn. Khi sang tới nơi em mới biết là không phải như thế mà làm một loại app khác. Người trong công ty đó nói nếu không làm việc được thì sẽ bị bán đi hoặc đóng thùng vứt ra biển; nếu làm trái quy định thì sẽ bị xử lý nên em rất lo lắng," Y Liên nhớ lại.

Theo lời kể của nạn nhân, em phải làm việc từ 13-16 giờ/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Nhiệm vụ của em là phải lên mạng xã hội kết bạn, lôi kéo được ít nhất một khách nạp tiền vào app trong một tháng, nếu không làm được thì em sẽ bị bán cho công ty khác.

Do không đáp ứng được yêu cầu, Y Liên đã bị bán cho 6 công ty khác nhau với mức giá tăng dần, từ 1.800 USD ở công ty đầu tiên lên 2.800 USD ở công ty thứ hai…

Trong suốt thời gian làm việc, do không tìm được khách nạp tiền vào app, Y Liên không được công ty trả lương. Em cho biết chỉ một lần duy nhất em tìm được khách nên được trả tiền nhưng rất ít.

“Khi vào công ty, họ bố trí cho em ở trong một khu vực khép kín, trong đó có cửa hàng ăn uống và bán một số hàng tạp hóa khác, đủ để mình sinh hoạt. Các khu vực đều được canh phòng nghiêm ngặt, em không thể ra ngoài được. Điện thoại không được sử dụng và thường xuyên bị kiểm tra nên rất khó liên hệ được với gia đình. Em có mượn điện thoại của bạn cùng phòng để gọi về. Bên công ty bảo phải có đủ tiền chuộc mới được về, còn không thì cứ tiếp tục làm việc cho họ," Y Liên kể.

Quyết tâm giải cứu

Ông A Van - bố của Y Liên - cho biết khi em vào Bình Dương làm việc, gia đình vẫn liên hệ được với em nhưng chỉ vài ngày sau đã không thể liên lạc được.

Đến trưa 16/7, ông nhận được điện thoại của con với nội dung cần có 85 triệu đồng để chuộc. Không có tiền, ông chạy vạy khắp nơi để vay mà vẫn không đủ. Đúng lúc ấy, ông gặp cán bộ địa bàn của Đồn Biên phòng Đăk Xú và thông tin với lực lượng chức năng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Đăk Xú đã khẩn trương báo cáo Bộ Chỉ huy, Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum quyết tâm bằng mọi biện pháp nghiệp vụ tiếp cận, xác định vị trí, phối hợp với các lực lượng chức năng đưa nạn nhân về với gia đình.

Thiếu tá Bùi Công Huân, Đội trưởng Đội đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum trực tiếp tham gia vụ án.

Để thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh trong suốt quá trình trao đổi thông tin, xác minh đối tượng và trao đổi với lực lượng chức năng nước bạn trong vấn đề giải cứu nạn nhân.

“Quá trình giải cứu nạn nhân rất khó khăn vì các công ty không cho sử dụng điện thoại. Vài ngày họ lại kiểm tra và xóa dữ liệu nên rất khó xác định được vị trí của nạn nhân. Ngoài ra, quá trình sinh hoạt, ăn uống khép kín, ra cửa thì có lực lượng bảo vệ có vũ khí rất đông nên nạn nhân không thể ra ngoài, không thể xác định được phương hướng," Thiếu tá Bùi Công Huân kể.

Dù gặp muôn vàn khó khăn song với quyết tâm cao của bản thân, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Tây Ninh và Kon Tum, sự giúp đỡ của lực lượng chức năng nước bạn Campuchia, sau hơn một tháng triển khai kế hoạch giải cứu, ngày 20/8/2022, Y Liên đã được đưa về Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

"Khi về đến Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, Y Liên vẫn bị hoảng loạn, tâm lý không ổn định, hoang mang, lo lắng. Trong quá trình đưa về Kon Tum, qua 2 ngày, được các cơ quan chức năng của Đồn Biên phòng Đăk Xú, chính quyền địa phương, huyện, xã, thôn, đặc biệt là người thân trong gia đình động viên, hỏi thăm, giúp đỡ, nạn nhân đã bớt phần lo lắng và tư tưởng đã dần ổn định trở lại," Thiếu tá Bùi Công Huân cho biết thêm.

Niềm vui đoàn tụ

Với ông A Van, việc con gái trở về như một điều thần kỳ sau chuỗi ngày lo lắng, bất an. Ông chia sẻ: “Khi các cán bộ Biên phòng đưa cháu về với gia đình, tôi rơi nước mắt, chỉ biết khóc thôi, không biết phải làm sao nữa. Tôi xin cảm ơn các cán bộ Biên phòng của hai tỉnh Kon Tum và Tây Ninh đã giúp đỡ, đưa con gái tôi về với gia đình."

Trở về bên vòng tay gia đình, được ông, bà, nội, ngoại đến thăm hỏi, động viên, Y Liên không khỏi vui mừng, xúc động. Những ngày tháng lưu lạc bên xứ người đã kết thúc, giờ em có thể “sang trang mới” cho cuộc đời mình.

Trong suốt câu chuyện của mình, Y Liên luôn dành những lời cảm ơn cho lực lượng bộ đội biên phòng hai tỉnh Kon Tum, Tây Ninh đã giúp em trở về, thoát khỏi chuỗi ngày tăm tối. Đồng thời, em cũng lên tiếng cảnh tỉnh đối với những ai đang có ý định sang nước ngoài làm việc trái phép.

Bẫy 'việc nhẹ, lương cao': Lời kể của người được giải cứu từ Campuchia  - Ảnh 2.

Những người xuất cảnh trái phép sang Campuchia bị tạm giữ tại một chốt biên phòng. (Ảnh: TTXVN phát)

“Em mong muốn mọi người đừng nghe lời xúi giục để sang bên kia làm việc trái pháp luật nữa, vì những gì họ nói, họ lôi kéo mình đều không đúng thực tế đâu. Họ nói là lương cao, không bị bán đi nhưng thực tế không phải như vậy, họ sẽ làm tất cả vì lợi ích của họ thôi," Y Liên chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Đình Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Xú, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết sau khi đưa Y Liên về với gia đình, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, triển khai các đội vận động quần chúng tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về âm mưu, thủ đoạn, sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo các thanh, thiếu niên đi nước ngoài để người dân cảnh giác với các trường hợp tương tự.

Ông Đào Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cũng khẳng định Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã sẽ phối hợp với Đồn biên phòng, các đơn vị đóng chân trên địa bàn tuyên truyền, vận động cho bà con ở 11 thôn, làng nhận thức rõ chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ người lao động, nhất là trong độ tuổi thanh, thiếu niên sang nước khác làm việc trái pháp luật.

“Với nhu cầu việc làm ngày càng tăng như hiện nay, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động một cách chính thức dưới sự bảo hộ của Nhà nước, tránh trường hợp người lao động bị lợi dụng. lôi kéo đi làm việc trái phép," ông Tuấn nhấn mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm

Campuchia: Quản lý casino nơi 42 người Việt chạy trốn là người Trung Quốc, đã bắt giữ


Theo Vietnam+
Ý kiến của bạn