“Bẫy quỷ” - Hiểm họa khôn lường cho shipper

18-02-2019 06:59 | Xã hội

SKĐS - Khi giao hàng đã trở thành một nghề phổ biến hiện nay thì gần như lập tức đã xuất hiện nhiều mưu đồ đen tối nhắm vào những người giao hàng (shipper).

Nhẹ thì lừa đảo chiếm đoạt hàng, nghiêm trọng hơn là cướp, gây thương tích, thậm chí tử vong cho nạn nhân. Rất nhiều vụ chiếm đoạt hàng là tiền, vàng, sản phẩm đã xảy ra với thủ đoạn tương đối giống nhau. Vậy người giao hàng cần lưu ý gì để tránh bẫy “quỷ”?

Bẫy “quỷ”…

Gần đây, liên quan đến vụ án thiếu nữ đi giao gà ngày 4/2 (tức 30 Tết) rồi bị giết hại ở Điện Biên đang gây chấn động dư luận về mức độ tội ác do các kẻ thủ ác gây ra và dù vụ án này vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra, nhưng chúng ta có thể thấy được thủ đoạn lọc lõi, ranh ma của các đối tượng trong việc giăng bẫy người bị hại. Đó là đánh trúng tâm lý của người bán, đặt mua hàng với số lượng lớn - chúng đã đặt mua hơn 10 con gà. Với người bán hàng, còn gì vui hơn khi ngày cuối năm bán được từng ấy con gà. Thế nên người bán sẵn lòng đi giao hàng theo yêu cầu của nghi phạm mà không mảy may nghi ngờ rằng mình đã đi vào... “bẫy quỷ”.

Điểm đáng quan tâm tiếp theo trong vụ án trên mà không nhiều người để tâm, dễ lơ là, mất cảnh giác chính là việc đối tượng gọi điện cho nữ sinh để đặt giao hàng tới một địa điểm có vẻ như rất bình thường, ở chỗ đông người qua lại (khu vực chợ C13, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ) song, mấu chốt ở chỗ, lúc nạn nhân tới nơi, chúng lại tiếp tục yêu cầu di chuyển tới một địa điểm khác là nơi vắng vẻ để dễ bề thực hiện mục đích đen tối. Do bị dẫn dụ, thiếu cảnh giác, nạn nhân đi theo hướng dẫn và đã bị nhóm đối tượng khống chế, hãm hại.

Điểm mấu chốt nói trên tương tự như vụ án cướp tài sản của người chuyển tiền đêm mà Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã khởi tố, vừa xảy ra vào cuối tháng 12/2018. Trong vụ án này, 2 tên cướp 9X đã hẹn một người làm dịch vụ chuyển tiền đêm tới giao dịch lúc 3h sáng ở địa điểm công khai là mặt phố Tân Mai (quận Hoàng Mai). Đây là mặt phố lớn, có ánh đèn và thông thoáng 2 đầu. Tuy nhiên, khi người giao tiền tới nơi, kẻ cướp đã lấy lý do “không mang đủ tiền” và đề nghị nạn nhân đi theo vào trong ngõ nhỏ để trả nốt. Tới đoạn vắng, đối tượng bịt khẩu trang đi xe máy vào cùng nạn nhân rồi khống chế, dí dao vào cổ và cướp 2 chiếc điện thoại iPhone 5SE, 6S. Sau đó, 2 tên cướp mò được mật khẩu một chiếc điện thoại, phát hiện nạn nhân lưu nhiều thông tin về các tài khoản ngân hàng nên đã đặt lệnh chuyển hơn 9 triệu đồng sang tài khoản khác để chiếm đoạt.

Shipper  - nghề nặng nhọc và rủi ro (ảnh minh họa).

Shipper  - nghề nặng nhọc và rủi ro (ảnh minh họa).

Cần làm gì để tránh “bẫy quỷ”

Kinh tế phát triển, nhiều dịch vụ và ngành nghề mới đã ra đời. Gần đây, shipper là công việc được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ lựa chọn để làm kế mưu sinh bởi những đặc tính đơn giản, không cần bằng cấp, trình độ hay đòi hỏi kinh nghiệm lại có thu nhập...  Tuy nhiên, không ít vụ lừa đảo, cướp tài sản hoặc thậm chí án mạng đã xảy ra mà nạn nhân là những người đi giao hàng như 2 vụ án nói ở trên. Còn gì đau lòng hơn khi những người thiện lương mưu sinh gặp phải kẻ thủ ác đội lốt khách hàng.

Trước thực trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh của người giao hàng, các chuyên gia tội phạm học cả trong nước và quốc tế đã đưa ra một số ý kiến để nhắc nhở người làm công việc giao hàng cần lưu ý và cảnh giác như:

Đừng để bị người mua chỉ dẫn sang địa chỉ giao hàng khác với địa chỉ đã đặt trước (ví dụ như bị gọi ra cửa sau hoặc cửa ngách). Đây có thể là chiêu lừa của kẻ xấu để dụ nhân viên tới nơi vắng vẻ.

Cố gắng giao hàng ở nơi công cộng hoặc sáng đèn. Nếu cảm thấy có điều đáng nghi (ví dụ như trong nhà không bật đèn, ngõ vắng), bạn hãy yêu cầu người mua nhận hàng ở nơi công cộng, đông người hoặc hủy giao hàng.

Luôn chú ý môi trường xung quanh và các chi tiết khả nghi như có phương tiện theo dõi, địa chỉ giao hàng tối đèn, không có người ở.

Hạn chế để tiền mặt trong người. Không nên để lộ mình đang mang nhiều tiền hoặc “khoe” hôm đó kiếm được.

Tra cứu đường đi trước khi giao hàng để không bị lạc vào nơi nguy hiểm. Bạn nên thông báo cho người thân, gia đình và đồng nghiệp biết về địa điểm sẽ tới.

Đặc biệt, trong trường hợp nếu chẳng may bị đối phương dùng hung khí khống chế để gây án, nếu không có khả năng kháng cự thì tốt nhất ngoan ngoãn chấp hành yêu cầu của tội phạm về tài sản. Đừng manh động chống cự dễ xảy ra nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe. Nếu bị tấn công, tốt nhất thoát ly tài sản càng sớm càng tốt, có thể nhanh chóng rút khóa xe máy rồi ném đi. Sau đó vừa chạy vừa tri hô vì mục tiêu của thủ phạm là tài sản chứ không phải mạng người. Chúng cũng rất sợ bị bắt nên sẽ không đuổi theo, ở lại thì không nổ máy được xe, đồng thời có thể bị bắt nên chúng sẽ bỏ chạy.


Việt Anh
Ý kiến của bạn