Giao việc khó khiến ứng viên không thể hoàn thành, đề nghị nộp phí thế chân, phí bảo trì công cụ làm việc... là những chiêu trò phổ biến của các công ty lừa đảo tuyển dụng
Minh Hằng (năm thứ nhất, trường ĐH Thương mại) cho biết, nửa năm trước, để có thêm tiền trang trải sinh hoạt, Hằng đã lên mạng, tìm việc làm thêm. Thấy có công ty tuyển nhân viên đánh máy vi tính tại nhà, Hằng nộp hồ sơ và được gọi đi phỏng vấn.
Đến buổi phỏng vấn, Hằng được nghe về mức lương “trong mơ”, sau đó, cô được yêu cầu đóng 500.000 đồng “phí thế chân”. Nộp tiền xong chờ mãi không thấy công ty giao việc, đến địa điểm phỏng vấn Hằng ngỡ ngàng khi công ty này đã hoàn toàn biến mất.
Đánh trúng vào nhu cầu muốn tìm việc làm thêm của sinh viên, nhiều công ty tung ra các thông tin tuyển dụng đầy hấp dẫn trên mạng, với lời hứa hẹn công việc nhàn hạ, lương cao. Điểm chung của các công ty này là đều bắt ứng viên đóng phí tuyển dụng hoặc đặt cọc một số tiền “theo quy định của công ty”. Sau đó, họ giao cho sinh viên những công việc khó tới mức không thể hoàn thành, phải tự bỏ cuộc. Số công ty khác thì âm thầm “biến mất”, ngay sau khi thu phí tuyển dụng của ứng viên. Chiêu bài này không mới nhưng vẫn có không ít “con mồi” sập bẫy giống Hằng.
Nhiều bạn, sau khi bị lừa hoặc chứng kiến bạn bè người thân bị lừa đã chủ động kết nối với nhau để lập ra những trang, nhóm trên Facebook nhằm tuyên truyền, cảnh báo về “danh sách đen”.
Thu (Học viện Báo chí - Tuyên truyền), admin trang Những trò lừa đảo sinh viên cần biết chia sẻ, bạn của Thu từng bị dính một cú lừa khi đi tìm việc làm thêm nên cô lập ra một trang để chia sẻ về những địa chỉ xin việc có dấu hiệu lừa đảo.
“Những địa chỉ công ty, trung tâm bị nhiều bạn tố là lừa đảo, mình sẽ ghim vào đầu trang để các thành viên cùng trao đổi, thảo luận. Các bạn sinh viên cũng có thể vào trang để đặt câu hỏi về địa chỉ mình chuẩn bị đi tuyển dụng, mọi người sẽ cho ý kiến xem công ty đó có dính nghi án lừa đảo không”, Thu nói.
Chỉ sau một thời gian thành lập, đến nay, trang Facebook của Thu đã có hơn 10.000 lượt “like”. Nhiều thành viên chia sẻ chuyện có thật của bản thân để cảnh báo các sinh viên khác đang “mon men” đi phỏng vấn.
Tương tự, Hội những người anti công ty X được thành lập đã tạo thành một diễn đàn sôi động để các sinh viên trao đổi, vạch ra các chiêu lừa của công ty X. Admin của trang, cho biết, vì có kênh tuyên truyền này cùng những câu chuyện đau đớn, tiền mất tật mang của, nhiều sinh viên đã tránh được các khoản phí tuyển dụng “trời ơi”. Admin của trang từng nhiều lần nhận được tin nhắn đe dọa sẽ “xử” bằng “luật rừng”.
“Các bạn năm thứ nhất rất ủng hộ chúng mình. Các bạn ấy thường cảm ơn và bảo rằng, mới lên Hà Nội chưa hiểu biết gì nên có được những cảnh báo thế này quả thực là rất tốt. Có những bạn còn gửi tin nhắn bảo rằng: “Cảm ơn ad đã lập trang này để giúp sinh viên không bị lừa”, khiến chúng mình có thêm nhiều động lực để trang hoạt động tốt. Còn điều khiến mình buồn là hằng ngày, vẫn có thêm những thành viên đăng tải tình huống của bản thân lên trang, chứng tỏ mỗi ngày mới vẫn có thêm bạn bị lừa”, admin chia sẻ.
Ngoài Những trò lừa đảo sinh viên cần biết, Hội anti công ty X… thì còn nhiều trang, nhóm cũng nỗ lực làm công việc tuyên truyền này như: Vạch mặt các công ty lừa đảo, Tẩy chay đa cấp lừa đảo. Tất cả dường như đang cùng chung tay tạo nên một chiếc “áo giáp thông tin” bao bọc sinh viên, khiến họ cảnh giác và không bị trúng những “mũi tên tuyển dụng ngọt ngào”.
Hoàng Tú (năm thứ hai, ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ, cậu nộp hồ sơ cho một công ty tuyển nhân viên đăng tin quảng cáo. Đi phỏng vấn, Tú được thông báo sẽ hưởng “hoa hồng” theo mỗi tin đăng tải và khi giới thiệu thêm bạn bè đến công ty. Lương cố định sẽ được công ty trả vào ngày mùng 5 hàng tháng. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi Tú được yêu cầu đóng 500.000 đồng phí gia nhập, cộng thêm 24.000 đồng/tháng phí bảo trì website và công cụ quảng cáo. “Vì đã đọc khá nhiều thông tin cảnh giác về chiêu trò thu phí tuyển dụng của các công ty lừa đảo nên mình “tỉnh” lắm. Ngay khi họ yêu cầu đóng phí, mình lập tức rút êm”, Tú nói.