Thực trạng này không mới, tuy nhiên do mất cảnh giác nên vẫn có trường hợp dính “bẫy” đạo chích. Những trường hợp vừa bị cơ quan công an làm rõ trong thời gian gần đây thêm một lần nữa cảnh báo cho những người đang tìm kiếm bạn cùng trọ.
Rước họa vào thân
Đã từ lâu, ở ghép thuê trọ là “giải pháp” giúp cho nhiều người giảm bớt chi phí của cuộc sống. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều đối tượng lừa đảo giả làm người cần ở ghép rồi ngang nhiên cuỗm tài sản khi bạn cùng phòng sơ hở. Thông tin từ Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết vừa phát hiện, bắt giữ Phạm Thị Thanh Thư (SN 1993, quê Thái Bình) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.
Tại cơ quan công an, Thanh Thư khai nhận, bằng thủ đoạn lập nick ảo, rồi lên mạng xã hội (facebook), vào những trang tìm người ở ghép nhắn tin, liên lạc với những người có nhu cầu ở ghép, lợi dụng sự sơ hở của “bạn cùng phòng” sẽ ra tay cuỗm tài sản có giá trị rồi “biến” khỏi nơi nhà trọ mà mình vừa đến. Chỉ trong một thời gian ngắn, Phạm Thị Thanh Thư đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tài sản chủ yếu là xe máy, điện thoại, máy tính xách tay của người mà mình vừa mới đến ở cùng, rồi đem bán hoặc cầm cố lấy tiền ăn tiêu.
Đối tượng Phạm Thị Thanh Thư cùng tang vật trong một số vụ trộm thông qua hình thức ở ghép thuê trọ. (Ảnh: CQCA cung cấp)
Cơ quan công an đã làm rõ, trước khi bị bắt, ngày 17/9/2019, Thư lên mạng facebook giả vờ cần tìm người ở ghép rồi đến ở ghép cùng một người đang sống tại ngõ 159, phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng. Sau vài giờ đồng hồ đến “nhà mới”, lợi dụng sơ hở của “bạn cùng phòng”, đối tượng đã trộm cắp chiếc xe máy nhãn hiệu Vision cùng 1 máy tính xách tay hiệu Asus rồi nhanh chóng biến khỏi nơi đây. Mở rộng điều tra, ngoài vụ trộm cắp nêu trên, Phạm Thị Thanh Thư cũng khai nhận trước khi bị bắt, đã thực hiện trót lọt cả chục vụ trộm cắp tài sản khác cũng bằng thủ đoạn tương tự trên địa bàn Hà Nội. Theo lời khai của Phạm Thị Thanh Thư tại cơ quan công an, mỗi vụ trộm cắp được đối tượng thực hiện chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, còn nhiều lắm là từ 2 đến 3 ngày kể từ khi bước chân vào ở ghép cùng.
Cũng với hành vi tương tự, cách đây không lâu, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bắt giữ Lại Phương Giang (SN 1992, quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, sau khi thấy chị Phạm Thị P. (quê Hà Tĩnh, sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy) đăng thông tin tìm người ở ghép, Giang đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản và giả vờ đến liên hệ xin ở cùng và được chị P. đồng ý. Ngay trong ngày đầu đến ở, lợi dụng lúc chị P. đi tắm Giang đã lấy chiếc máy tính xách tay Sony và 2,7 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân của chị Phương rồi bỏ đi. Sau khi bị bắt giữ, Lại Phương Giang khai nhận, ngoài vụ việc trên, đối tượng còn thực hiện trót lọt hàng loạt vụ trộm cắp tài sản khác trên địa bàn Hà Nội bằng thủ đoạn tương tự.
Cẩn trọng với những người “bạn” mới
Theo cơ quan công an, tình trạng trộm cắp tài sản qua việc tìm người ở ghép với nhau không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, trước thời đại công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội, việc tìm kiếm thông tin và liên lạc làm quen với nhau khá đơn giản. Chính vì thế, tội phạm cũng rất dễ phát sinh, thực tế vừa qua cho thấy đã xảy ra liên tiếp các vụ đối tượng xấu bằng mọi cách tìm thuê trọ, ở ghép rồi trộm cắp tài sản của “bạn cùng phòng”.
Có nhiều vụ, đối tượng còn tìm mua hay nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác, dán hình mình vào rồi đi thuê trọ để thực hiện ý đồ xấu. Đáng chú ý, hiện nay tinh thần nâng cao cảnh giác ở một số bộ phận người dân vẫn còn chưa cao, không chỉ với những người lao động phổ thông mà thậm chí ngay cả những sinh viên, người đi làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi cần người ở ghép chỉ cần liên hệ rồi đến ở với nhau và chính vì sự thờ ơ này đã khiến cho tình trạng tội phạm dễ xảy ra.
Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Toàn - Phó trưởng Công an phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết, các đối tượng lợi dụng việc “ở ghép nhà trọ” để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng một số thủ đoạn tinh vi nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng tiến hành điều tra. Các đối tượng thường “săn” người cần tìm người ở trọ ghép, khi được đồng ý, các đối tượng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất việc để người khác khai thác thông tin về mình. Khi đến ở thì các đối tượng nại ra hàng loạt lý do để trì hoãn, không cung cấp giấy tờ tùy thân hay làm thủ tục đăng ký tạm trú; không để chủ nhà trọ nắm rõ tên tuổi, quê quán của mình; hạn chế việc tiếp xúc với người cùng thuê trọ; không mang theo tài sản có giá trị tới khu trọ... Việc tránh đối tượng lợi dụng ở ghép để lừa đảo, trộm cắp không phải quá khó.
Theo đó, cần tìm hiểu kỹ càng đối tượng ở ghép là việc rất quan trọng để nắm được những thông tin cơ bản của họ như tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, các thói quen sinh hoạt khác... Hoặc khi ai đó chuyển đến, trước khi đồng ý cho vào ở phải yêu cầu người đó ra ngay công an phường đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nếu kẻ đó có ý đồ xấu, sẽ lập tức dùng ngay bài... chuồn thẳng. Thiếu tá Nguyễn Ngọc Toàn cũng khuyến cáo, việc ở ghép không sai khi giảm được nhiều chi phí, tuy nhiên, trước khi lựa chọn đối tượng phù hợp, người mời ở ghép luôn phải đề cao tinh thần cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.