Bầu Kiên trước ngày ra tòa

14-04-2014 14:00 | Thời sự
google news

Từ khi bị bắt, bầu Kiên không được gặp gia đình, theo lời luật sư, có thể do vợ, em gái ông là người có liên quan đến vụ án.

“Trong gần một giờ gặp gỡ, ông Kiên (Nguyễn Đức Kiên, còn gọi là bầu Kiên) nói nhiều hơn tất cả chúng tôi cộng lại” – ông Bùi Quang Nghiêm, một trong bốn luật sư bào chữa cho bầu Kiên trong vụ án sắp được đưa ra xét xử tại Hà Nội ngày 17-4-2014, kể.

Bầu Kiên
Bầu Kiên

Luật sư Nghiêm, thuộc Đoàn luật sư TPHCM, người đã từng tham gia bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án như Tamexco, Minh Phụng – Epco, nói ông chưa từng gặp ai mà trong thời gian bị tạm giam, được tiếp xúc với luật sư trước khi ra tòa, nói nhiều như bầu Kiên.

“Ông thậm chí còn phân công công việc cho chúng tôi” – luật sư Nghiêm nói và trích lời ông Kiên: “Ông Nam (luật sư Vũ Xuân Nam, Đoàn luật sư TPHCM) đã từng làm việc với tôi trước khi tôi bị bắt, là trưởng nhóm và điều phối các anh” – ông Nghiêm nhớ lại cuộc gặp bầu Kiên ngày 6-3-2014 trong trại giam.

Đó là lần đầu tiên bầu Kiên gặp người bên ngoài kể từ ngày 20-8-2012. Từ khi bị bắt, ông không được gặp gia đình, theo lời luật sư, có thể do vợ, em gái ông là người có liên quan đến vụ án. Trong khi đó một bị cáo khác là ông Lý Xuân Hải, đã được gặp người thân đôi lần. Gia đình ông Hải không có ai liên quan đến vụ án.

Luật sư Nghiêm miêu tả: ông Kiên trông khoẻ mạnh, tầm chừng 60-65 ký. So với trước khi bị bắt ông giảm khoảng 15-20 ký. Ông kể với các luật sư suốt thời gian trong trại ông gần như ăn hết khẩu phần, tập thể dục đều đặn. Ông có hai việc để làm hàng ngày: tập thể dục và tập trung suy nghĩ về những việc làm đã qua của bản thân. Có ngày ông hít đất hàng trăm cái, động tác thể dục mà cả đời trước đó ông ít khi làm.

Đầu tháng 8 năm ngoái, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có bản kết luận, với tập giấy trắng và cây bút, ông Kiên đã viết tay 26 trang xin phép được trình bày từng vụ việc cụ thể để gửi hai cấp đó. “Nét chữ của ông Kiên khá dễ đọc, trình bày mạch lạc, rõ ràng, chi tiết từng ngày tháng, dẫn chứng một số điều, một số luật. Trong câu chữ của ông ấy không hề có một lỗi chính tả” – luật sư Nghiêm hóm hỉnh nhận xét. Trong phần cuối của bản trình bày, ông Kiên đề nghị các cấp xem xét cho ông tại ngoại vì lý do bệnh tật.

Các luật sư cho biết qua cách nói của bầu Kiên, ông ấy có trí nhớ rất tốt. Trong lần gặp thứ hai, kéo dài 45 phút vào ngày 11-4-2014, các luật sư và ông Kiên rà soát, thống nhất những nội dung sẽ trình bày ở tòa. Trước đó ông Kiên được các luật sư thông báo ông Long và ông Dương có tên trong danh sách các nhân chứng (Danh sách những người tham gia tố tụng vụ án đi kèm Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 26-3-2014).

Luật sư Nghiêm miêu tả: ông Kiên trông khoẻ mạnh, tầm chừng 60-65 ký. So với trước khi bị bắt ông giảm khoảng 15-20 ký. Ông kể với các luật sư suốt thời gian trong trại ông gần như ăn hết khẩu phần, tập thể dục đều đặn. Ông có hai việc để làm hàng ngày: tập thể dục và tập trung suy nghĩ về những việc làm đã qua của bản thân.

Ông Long là Trần Đình Long, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát; ông Dương là Trần Tuấn Dương, tổng giám đốc tập đoàn Hòa Phát. Việc làm chứng tại tòa của hai ông có liên quan đến việc mua bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát trị giá 264 tỉ đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Tập đoàn Hòa Phát. Trong báo cáo tài chính năm 2013, Tập đoàn Hòa Phát nêu rõ đã nhận lại khoản tiền nói trên và đã hoàn nhập dự phòng tài chính.

Trao đổi với TBKTSG qua điện thoại vào thứ Sáu tuần trước, ông Trần Đình Long cho biết hội đồng quản trị tập đoàn Hòa Phát chưa họp, nên chưa thể biết cá nhân ông sẽ làm chứng tại tòa hay Hòa Phát sẽ uỷ quyền cho người khác đại diện cho doanh nghiệp.

Ngoài các bị cáo, đây là vụ án có sự tham gia của các luật sư, nguyên đơn dân dự, bị đơn dân sự, tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người giám định, người làm chứng, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự đông đảo nhất nhì từ trước đến nay.

Trong số các tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có tên các tổ chức tín dụng: Ngân hàng TMCP Phương Nam; Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín; Ngân hàng TMCP Đại Á (đã sáp nhập với HDBank – NV); Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank; Ngân hàng TMCP Kiên Long; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh TPHCM; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Ngoài những người tham gia tố tụng, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mời đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tham dự phiên tòa.

Các phương tiên truyền thông cử người đăng ký tham dự phiên tòa cũng đông không kém. Tuy nhiên do diện tích phòng xử không đủ chỗ, nhiều báo sẽ phải tham dự bên phòng ngoài thông qua phát hình qua màn ảnh rộng. Đây chắc hẳn sẽ là thời gian tác nghiệp bận rộn của cánh báo chí để thông tin kịp thời đến người dân, công chúng.

Theo Saigon Times


Ý kiến của bạn