Trong lời nói sau cùng trước toà, ông Nguyễn Đức Kiên khi nói về gia đình mình đã không kìm nổi giọt nước mắt nghẹn ngào.
Sáng ngày 2/6, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Bước vào ngày làm việc thứ 10, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án...
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Trần Ngọc Thanh nói: “Hơn 600 ngày qua, tôi bị tạm giam, thực sự là chuỗi ngày đắng cay, tủi nhục. 17 tuổi nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước tôi bước chân vào quân ngũ cùng nhân dân cả nước dành lại độc lập tự do cho dân tộc. Cuộc đời làm việc của tôi cũng chưa từng vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật. Điều đau khổ nhất là chuẩn bị cầm quyết định nghỉ hưu lại bị bắt giam. Suốt trong thời gian ở trong trại, tôi suy nghĩ mai không biết vì sao mà mình phải ở đây. Ban đầu chưa nhận thức được mình sai, bản hợp đồng cuối cùng, tôi đã thấy cái sai của mình hôm đó. Suốt quá trình điều tra tôi luôn thành khẩn khai báo và hợp tác. Tôi luôn tin tưởng chế độ, tuy nhiên trong quá trình điều tra và quá trình tố tụng, hầu hết đều coi trọng chứng cứ, luận cứ buộc tội tôi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn những chứng cứ gỡ tội bị làm ngơ".
Hôm nay đứng trước phiên tòa, tôi xin khẳng định, tôi không phạm tội. Tôi chỉ có hành vi sơ suất trong việc ký hợp đồng. Khi ký hợp đồng này, tôi không biết số cổ phiếu đó đã được giải chấp. Chính vì lẽ đó, tôi mong HĐXX công tâm, công bằng xem xét rõ hành vi phạm tội của tôi. Tôi không lừa đảo chiếm đoạt, tôi không giúp sức ai phạm tội".
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói lời sau cùng trước toà
Được Tòa cho phép nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến nói "Một người bước chân vào tù mang theo hệ lụy với bao nhiêu người trong gia đình. Khi tôi bước vào trại tạm giam, bố tôi đang bị bệnh không biết có chịu nổi cú sốt này không". Bị cáo cho rằng, mình chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ban lãnh đạo, để rồi hôm nay đứng trước vành móng ngựa. Đó là sự cay đắng nhất trong cuộc đời.
Đến lượt mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên nói rằng, lúc này đây tôi đang cần sự giúp đỡ của những người bạn thân để giúp đỡ gia đình tôi mà cụ thể là vợ tôi để vượt qua khó khăn. Nói đến gia đình mình, "bầu" Kiên đã không kìm được cảm xúc và rơi nước mắt.
Đối với hơn 15.000 cán bộ, nhân viên ACB, Kiên mong họ tiếp tục làm việc gắn bó, làm việc tại ACB. Kiên yêu cầu vợ, con không được bán cổ phần tại ACB để tiếp tục gắn bó với ACB.
Kiên mong cán bộ nhân viên Ngân hàng Vietbank thông cảm việc Kiên và gia đình bán cổ phần tại ngân hàng này. “Tôi không tiếp tục đi cùng anh chị được nữa”, Kiên nói.
Kiên gửi lời tới, mẹ, em rằng, mọi người thông cảm. “Tôi không cho em tôi kinh doanh, giữ vị trí tại ngân hàng vì không đủ trình độ, năng lực để giữ vị trí tại ngân hàng. Kiên mong các em không hận mình vì kinh doanh ngân hàng nhiều rủi ro”.
Kiên khẳng định không bỏ trốn và nhận trách nhiệm về những gì mình làm. Kiên bảo đã gọi hai đứa con ra… (Kiên cố kìm nén để bật khóc). Có thể có những rủi ro với Kiên nhưng Kiên nói với con: Để làm người tốt phải làm gì; Mong muốn các con lập nghiệp như thế nào; Bảo con thay Kiên làm người đàn ông trong gia đình để làm chỗ dựa cho mẹ, cho gia đình.
Tôi xin lỗi các cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Hà Nội vì đội bóng đã không được tiếp tục hoạt động. Tôi đã yêu cầu vợ tôi tiếp tục duy trì để một ngày nào đó câu lạc bộ bóng đá Hà Nội tiếp tục được hoạt động. Đây là tâm nguyện của tôi. Tôi đề nghị các đồng nghiệp của tôi tại liên đoàn bóng đá để làm sao một lần nhìn được đội tuyển bóng đá Việt Nam được thi đấu tại Wolrd Cup. Đây là tâm nguyện lớn nhất cuộc đời tôi.
Tôi cũng xin lỗi những nhân viên và gửi lời tri ân đến khách hàng của ngân hàng Á Châu. Những người đã đồng hành với tôi trong suốt hơn 20 năm qua. Tôi khẳng định rằng khách hàng của ngân hàng Á Châu có thể tin rằng ngân hàng Á Châu là ngân hàng quản trị tốt nhất.
Nguyễn Đức Kiên khi nói lời sau cùng vẫn khẳng định mình vô tội và cho rằng việc ông vô tội thế nào đã được thể hiện qua các phiên xét xử.