Hà Nội

Bầu cử Tổng thống Pháp: Càng đến giờ G, càng nóng

07-02-2017 16:03 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ứng cử viên của phe trung hữu tranh cử chức tổng thống Pháp, ông Francois Fillon, vừa chính thức lên tiếng xin lỗi về bê bối chi tiêu bị báo chí phanh phui, nhưng vẫn khẳng định quyết tâm tiếp tục chiến dịch chạy đua vào Điện Elysée.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon, thành viên đảng Xã hội Pháp (PS),  đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu tuần trước để trở thành ứng cử viên đại diện phe cánh tả Pháp.2 ứng cử viên còn lại, bà Le Pen và ông Macron đều là những gương mặt rất mạnh. Trong bối cảnh chỉ còn 100 ngày nữa cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra, những diễn biến trên cho thấy cuộc đua vào chiếc ghế chủ nhân điện Elyséesẽ nóng hơn bao giờ hết:

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra cuối ngày 6/2, ông Francois Fillon thừa nhận đã "phạm sai lầm" trong việc thuê vợ mình là bà Penelope Fillon làm trợ lý khi ông còn là nghị sĩ Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, ông Francois Fillon cũng bác bỏ những thông tin được báo chí Pháp đăng tải trước đó về khoản tiền bà Penelope Fillon được trả cho công việc bị cáo buộc là "giả mạo. Ông Francois Fillon bày tỏ "thực sự hối tiếc" và xin lỗi vì những việc làm của mình đã tạo ra sự ngờ vực trong dư luận, nhưng đồng thời tuyên bố ông sẽ bắt đầu một chiến dịch tranh cử mới để "giành chiến thắng" trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp.

Ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đang được cho là giành nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Trước đó, ngày 4/2, ứng cử viên Tổng thống Pháp, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen chính thức khởi động chiến dịch tranh cử với cam kết về một nước Pháp "tự do". Phát biểu trước những người ủng hộ tại thành phố Lyon, Pháp, bà Le Pen tuyên bố mục tiêu của chiến dịch tranh cử là "trả lại tự do cho nước Pháp và tiếng nói cho người dân Pháp". Bà Le Penđã đưa ra 144 cam kết, đề xuất nước Pháp rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập.

Trong khi đó, kết quả vòng hai cuộc bỏ phiếu sơ bộ phe cánh tả Pháp tuần trước cho thấy cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp ông Benoit Hamon đã đánh bại cựu Thủ tướng Manuel Valls 54 tuổi, với 58,65% phiếu ủng hộ. Chiến thắng của ông Hamon được xem là một minh chứng nữa cho thấy sự bất ngờ và khó dự đoán của cuộc  đua vào Điện Elise năm nay khi vị cựu Bộ trưởng 49 tuổi mới 3 tuần trước đó vẫn được xem như một "người ngoài cuộc".

Tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ

Như vậy, đến thời điểm này, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã ngã ngũ gương mặt 4 gương mặt ứng cử viên chính. Đó là cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cánh hữu, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoît Hamon- đại diện phe cánh tả, bà Marine Le Pen đại diện phe cực hữu và ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron. Theo dự kiến, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp theo hình thức phổ thông đầu phiếu sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới.

Cử tri Pháp ủng hộ ông Macron.

Tờ Le Monde (Pháp) dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay đã và đang chứa đựng nhiều ẩn số. Phân tích từng trường hợp cụ thể, có thể thấy rõ điều đó. Nếu như cách đây mới chỉ hai tuần, ông Francois Fillon còn là ứng cử viên sáng giá nhất trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, nhờ cam kết cải cách triệt để nền kinh tế Pháp, thì sau bê bối bị báo chí Pháp phanh phui về việc sử dụng ngân sách nhà nước để trả lương "hậu hĩnh" cho những công việc bị tố cáo là "không tồn tại" do vợ và con mình đảm nhiệm, uy tín của ông Fraincois Fillion đang "tụt dốc không phanh". Trong khi đó, mặc dù nổi lên như một hiện tượng, nhưng với những gì chính phủ của Thủ tướng Hollande “phô diễn” như hiện nay, rất có thể cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoît Hamon- đại diện phe cánh tả sẽ bị loại khỏi vòng bỏ phiếu sớm.

Các kết quả thăm dò hiện tại cho thấy ông Francois Fillon khó vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên vào cuối tháng 4 tới. Như vậy, sau vòng bỏ phiếu trên, bầu cử Tổng thống Pháp sẽ chỉ còn 2ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen và ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron.

Với chủ trương chống Liên minh châu Âu (EU) và nhập cư, bà Le Pen, 48 tuổi, đã nhiều lần tuyên bố Pháp nên rút khỏi EU. Bà cũng là chính trị gia Pháp duy nhất ủng hộ tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Đảng FN đang kỳ vọng dựa vào chiến thắng của ông Trump và cuộc bỏ phiếu Anh rời EU để tạo nên làn sóng chống chính phủ tương tự tại Pháp và chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm tới. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chương trình tranh cử của bà le Pen lại không đề cập các chính sách kinh tế vĩ mô, không đưa ra được hướng đi thuyết phục về làm cách nào để cân bằng giữa 2 nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế cho người dân.

Trong khi đó, ông Macron - nhân vật chủ trương ủng hộ châu Âu, lại đang giành lợi thế nhờ tuổi trẻ và năng lực lãnh đạo điều hành nền kinh tế Pháp. “Chúng ta không ther bảo vệ một hệ thống chính trị thiếu hiệu quả và yếu kém”, ông Macron nhấn mạnh “Cuộc chiến mà chúng ta phải dấn thân, đó là giành lại những giá trị xứng đáng của cuộc sống và củng cố lại lòng tin”.

Rõ ràng trong bối cảnh chỉ còn 100 ngày nữa cuộc bầu cử Tổng thống Pháp chính thức bắt đầu, những bất ngờ liên tiếp đang khiến chính trường Pháp không ngừng biến động. Dù tất cả các đảng phái đã “lộ diện” ứng cử viên của mình, nhưng điều gì sẽ xảy ra trên chính trường Pháp những ngày sắp tới là điều chưa ai có thể biết trước.


N.Minh
Ý kiến của bạn