Lộ diện liên danh tranh cử
Ngay sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Joe Biden công bố liên danh tranh cử với một phụ nữ da màu - Thượng nghị sĩ Kamala Harris, dư luận Mỹ đã chạy nhiều hàng tít nóng, rằng đây là “người mở đường”, “người phá vỡ rào cản”, “ngôi sao đang lên của Đảng Dân chủ”... Đặc biệt, theo ông J.Biden, đây sẽ là người giúp ông đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump. Thượng nghị sĩ Kamala Harris năm nay 55 tuổi, là người phụ nữ da màu đầu tiên được lựa chọn tranh cử Phó Tổng thống Mỹ, đại diện một đảng chính trị lớn ở Mỹ. Bà từng là đối thủ của ông Joe Biden trong cuộc chạy đua giành suất đề cử chính thức của Đảng Dân chủ “đối mặt” với Tổng thống D.Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, bà đã thất bại.
Bà Kamala Harris là người nhập cư Mỹ, có cha là người Jamaica, mẹ người Ấn Độ. Bà cũng là phụ nữ da màu đầu tiên đứng đầu ngành công tố, trở thành Tổng chưởng lý ở bang California - bang lớn nhất nước Mỹ. Năm 2016, bà trở thành Thượng nghị sĩ. Với lợi thế lớn về kinh nghiệm chính trị ở bang có tiềm lực kinh tế nhất nhì của Mỹ, bà Harris nhận được sự ủng hộ của nhiều người thuộc Đảng Dân chủ.
Việc lựa chọn ứng viên Phó Tổng thống là một người da màu trong bối cảnh các vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra trên khắp nước Mỹ sau cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd còn được đánh giá là một sự lựa chọn khôn ngoan của ông Biden. Ngoài ra, bà Kamala Harris còn là người ủng hộ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, người da màu và người nhập cư, kêu gọi cải cách lực lượng cảnh sát sau cái chết của George Floyd. Đảng Dân chủ hy vọng bà Harris sẽ thu hút phiếu bầu từ những người Mỹ gốc Phi, những cử tri vốn rất trung thành của họ.
Dự kiến tại Đại hội Đảng Dân chủ diễn ra ngày 17-20/8 tới đây, liên danh tranh cử Biden - Harris sẽ chính thức tiếp nhận đề cử của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nếu ông Biden được bầu làm Tổng thống thứ 46 của Mỹ, bà Kamala Harris sẽ trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên và là người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ cương vị Phó Tổng thống Mỹ.
Liên danh tranh cử Biden - Harris có tạo ra sự thay đổi ở nước Mỹ?
Cuộc đối đầu quyết liệt
Những vấn đề nước Mỹ đang gặp phải sẽ là những “bài toán khó” mà cả 2 ứng viên cần phải giải quyết. Đó là cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19, những bất ổn xã hội liên quan tới nạn phân biệt chủng tộc như ngọn lửa đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ, chỉ trực bùng lên bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, dù Tổng thống đương nhiệm có ưu thế hơn trong vực dậy nền kinh tế Mỹ nhưng cũng không thoát khỏi.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 còn khiến cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống của cả phe Dân chủ và Cộng hòa diễn ra không được như mong muốn. Các chính trị gia cho rằng, chưa có cuộc bầu cử nào gặp nhiều tình huống vận động khó khăn như cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay. Trong khi đội ngũ tranh cử của Tổng thống Mỹ D.Trump vẫn đến từng nhà, tiếp xúc trực tiếp với cử tri hàng chục bang để tìm kiếm phiếu bầu cho mình thì đội hỗ trợ của ứng viên J.Biden lại sử dụng các biện pháp trực tuyến như qua mạng, điện thoại để kêu gọi thêm lá phiếu.
Các kết quả thăm dò dư luận được công bố đều cho thấy ứng viên Biden đang nhỉnh hơn Tổng thống Mỹ đương nhiệm vài điểm phần trăm. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nhận định rằng ông Biden sẽ đắc cử. Bởi không giống các cuộc bầu cử trước đây, bất cứ tin tức hoặc sự việc nào cũng có thể khiến “gió đổi chiều”, ví dụ như nước Mỹ tìm ra vắc xin hoặc thuốc điều trị COVID-19 hay bất cứ hành động “sảy chân” nào của ứng viên đối thủ cũng có thể tạo lợi thế cho phía bên kia.
Vẫn còn 3 cuộc tranh luận trực tiếp giữa 2 ứng cử viên để thuyết phục cử tri rằng họ mới chính là người sẽ giúp nước Mỹ đi qua khủng hoảng. Cơ hội vẫn chia đều cho các bên...