Hà Nội

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đối đầu giữa 2 tầm nhìn tương phản

04-11-2024 16:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, với 2 ứng viên hàng đầu đại diện cho những lựa chọn đối lập.

Cựu Tổng thống Donald Trump mang đến thông điệp tập trung vào lo ngại về gian lận bầu cử và tình trạng của nền kinh tế. Trong khi Phó Tổng thống Kamala Harris lại kêu gọi đoàn kết và truyền cảm hứng về một tương lai mới đầy hy vọng.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đối đầu giữa 2 tầm nhìn tương phản- Ảnh 1.

Hai ứng viên cho cuộc đua vào Nhà Trắng: Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: FT)

Tính đến thời điểm này, hơn 75 triệu người Mỹ đã tham gia bỏ phiếu, cho thấy mức độ quan tâm cao và sự phân cực mạnh mẽ trong xã hội. Ngày bầu cử sẽ là thời điểm quyết định không chỉ với tương lai của nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới.

Nỗ lực cuối cùng tại các bang quan trọng

Trong đêm vận động cuối cùng, cả ông Trump và bà Harris đều dồn sức vào các bang dao động như Pennsylvania, Michigan và Bắc Carolina - những nơi có thể quyết định cục diện bầu cử.

Ông Trump bắt đầu hành trình cuối ngày từ Bắc Carolina, ghé qua Pennsylvania và khép lại tại Michigan. Phía bà Harris, sự kiện chính diễn ra tại Philadelphia, với sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng như Lady Gaga và Oprah Winfrey nhằm thu hút cử tri.

Cựu Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định ông là nạn nhân của bất công, cáo buộc hệ thống bầu cử đang bị thao túng. Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris kêu gọi đoàn kết và nhấn mạnh đây là thời điểm mà tất cả người dân Mỹ cần phải đứng lên vì tương lai chung, như lời bà nói tại một nhà thờ ở Detroit.

Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ đi vào lịch sử với tư cách là vị tổng thống thứ hai trở lại Nhà Trắng. Bà Harris, nếu chiến thắng, sẽ làm nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên, đánh dấu bước tiến lớn trong bình đẳng giới.

Bức tranh bầu cử phân cực

Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ hai ứng viên gần như ngang ngửa.

Chiến dịch của ông Trump tập trung vào các nhóm cử tri ít quan tâm đến chính trị nhưng đang bất mãn với hiện trạng kinh tế. Ngược lại, bà Harris cố gắng xây dựng đoàn kết trong cộng đồng thiểu số, đặc biệt là nam giới da màu và người gốc Latin.

Dù vậy, nhiều ý kiến lo ngại nếu ông Trump thất bại, ông có thể tiếp tục đặt nghi vấn về tính hợp pháp của kết quả như năm 2020.

Trong thông điệp cuối cùng, ông Trump cam kết một nhiệm kỳ mạnh mẽ hơn với các chính sách cứng rắn về biên giới, nhập cư và cải cách kinh tế. Bà Harris hứa hẹn cải cách có tính ổn định hơn, tập trung vào đời sống của người lao động với các chính sách như giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ nhà ở.

Để giành chiến thắng, bà Harris cần giữ được các bang quan trọng như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania. Theo các cuộc thăm dò gần đây, bà có chút lợi thế tại Michigan và Wisconsin.

Nếu ông Trump giành được Pennsylvania, cơ hội chiến thắng của ông sẽ tăng cao.

Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà TrắngTổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng

SKĐS - Ngày 21/7, trong thông báo đăng trên trang mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.


Xuân Minh
(Theo CNN, FT, New York Times)
Ý kiến của bạn