Vấn đề dịch COVID-19 sẽ quyết định người làm Tổng thống Mỹ?
Năm 2020 bao phủ bởi vấn đề dịch COVID-19 đã lan sang cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng ở nước Mỹ. Nó đã thay đổi cả cách thức bầu cử, kiểm phiếu lẫn quyết định của các cử tri. Mới đây, do lo ngại về vấn đề dịch bệnh, Bắc Carolina đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ gửi khoảng 643.000 lá phiếu bầu vắng mặt tới các cử tri. Tổng thống Donald Trump cảnh báo về nguy cơ dễ xảy ra gian lận đối với hình thức bỏ phiếu này dù không có bằng chứng. Tổng thống còn đề nghị những người ủng hộ nên bỏ phiếu 2 lần để kiểm tra hệ thống bầu cử.
Vấn đề dịch bệnh COVID-19 đã trở thành trọng tâm vận động lôi kéo cử tri của các ứng viên. Đại dịch là chủ đề đã thống trị báo chí Mỹ suốt cả năm 2020, dư luận theo dõi cách xử lý dịch bệnh của Tổng thống Mỹ. Khoảng giữa tháng 3, hầu hết báo chí đều ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và chi hàng chục tỉ USD cho các bang nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Thời điểm đó, 55% người Mỹ đã tán thành cách xử lý dịch bệnh của ông. Tuy nhiên, đến tháng 7, khi số người tử vong và nhiễm bệnh vẫn không ngừng tăng lên, họ lại hoài nghi về cách xử lý của Tổng thống.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden đã chỉ trích cách ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của Người đứng đầu Nhà Trắng. Theo một khảo sát của Reuters/Ipsos công bố cho thấy, có 47% người ủng hộ ông Biden trong khi 40% cho biết sẽ bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Trump. Giờ đây, người Mỹ coi vấn đề dịch COVID-19 là vấn đề quan trọng hàng đầu, 78% số người được hỏi lo ngại về COVID-19, 60% cho rằng Tổng thống phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa các trường học, doanh nghiệp cũng như số lượng các ca nhiễm tăng cao ở Mỹ. Dự báo đến ngày bầu cử, số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ sẽ lên tới 260.000 người.
Trước sức ép của cuộc bầu cử, chính quyền Mỹ mới đây cho biết vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ được cấp phép vào cuối tháng 10 và hối thúc các bang sẵn sàng phân phối vắc-xin ngừa COVID-19 vào ngày 1/11 tới, chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Đây có thể là “con bài” chốt quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tương lai của nước Mỹ.
Hai ứng viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Những “điểm mù” khó đoán định
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, không phải người giành được sự ủng hộ của đa số cử tri sẽ giành chiến thắng, bởi hệ thống bầu cử Mỹ rất phức tạp, nó phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri. Để giành được chiến thắng cuối cùng, ứng viên cần phải có được 270 trong số 538 phiếu đại cử tri, các bang được phân bổ số phiếu đại cử tri dựa trên số đại diện trong Hạ viện và thượng nghị sĩ. Kể cả bang dân số ít, nhưng vẫn luôn được đảm bảo có tối thiểu 3 đại cử tri bao gồm 1 hạ nghị sĩ và 2 thượng nghị sĩ. Tất cả các đại cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống giành được nhiều phiếu phổ thông nhất trên toàn bang nên sẽ xảy ra tình huống ứng viên có thể giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn dù số phiếu phổ thông ít hơn. Kịch bản này trùng khớp với những gì đã từng xảy ra trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 mà ông Donald Trump đã chiến thắng.
Các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy bà Hillary Clinton sẽ đắc cử, tuy nhiên kết quả cuối cùng ông D.Trump lại giành chiến thắng về số phiếu đại cử tri. Bà Hillary dù hơn đối thủ 2,8 triệu phiếu phổ thông nhưng ông Trump lại chiến thắng với 304 phiếu đại cử tri, trong khi bà Hillary chỉ có 227 phiếu.
Các cuộc thăm dò bầu cử gần đây, hầu hết ông Joe Biden đều dẫn trước đương kim Tổng thống D.Trump, thậm chí có đợt ông dẫn tới 10 điểm phần trăm so với đối thủ. Nhưng số phiếu phổ thông không quan trọng bằng việc giành được chúng ở đâu. Tại “các bang chiến địa” hiện nay là Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, ứng viên J.Biden đều đang dẫn trước, tuy nhiên, thời gian còn rất dài và mọi thứ đều có thể thay đổi rất nhanh...