Phát biểu sau khi chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng, ông Ahn Cheol-soo cam kết sẽ nỗ lực trở thành một “Tổng thống của nhân dân và vì nhân dân”. Ông Ahn Cheol-soo khẳng định, an ninh chính là nền tảng của quốc gia và tuyên bố sẽ bổ nhiệm vị trí Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống đầu tiên nếu ông trở thành Tổng thống.
Về phần mình, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in quyết định sẽ lập một Ủy ban trù bị bầu cử do Chủ tịch đảng này là bà Choo Mi-ae đứng đầu. Cũng trong ngày 5/4, cựu Chủ tịch Ủy ban đối sách khẩn cấp đảng Dân chủ đồng hành Kim Jong-in cũng tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống. Ông Kim dự kiến sẽ xúc tiến thành lập một liên minh, đặt mục tiêu xây dựng một chính phủ đoàn kết, không phân biệt đảng phái.
Cuộc đưa vào chiếc ghế Tổng thống Hàn Quốc “càng nóng” khi ứng cử viên của đảng Hàn Quốc tự do Hong Jun-pyo bước vào cuộc đua. Trong một động thái nhằm lấy lòng cử tri, ông Hong Jun-pyo đã tới thăm ngôi nhà lúc sinh thời của cố Tổng thống Park Chung-hee của cựu Tổng thống Park Geun-hye, và thăm chợ Seomun, chợ đầu mối lớn nhất ở Daegu, để thể hiện lập trường bảo thủ trong chính sách điều hành đất nước nếu ông trúng cử Tổng thống. Ứng cử viên tổng thống của đảng Chính nghĩa Yoo Seung-min chiều 5/4 đã tổ chức lễ ra mắt Ủy ban trù bị bầu cử. Trong khi ứng cử viên đại diện tranh cử tổng thống của đảng Công lý Sim Sang-jung đã tới thăm thành phố Mokpo, tỉnh Nam Jeolla và có bài phát biểu nhằm tranh thủ các cử tri Hàn Quốc tại đây.
Các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc
Trong khi đó, những người ủng hộ cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 5/4 đã thành lập một chính đảng của riêng họ mang tên đảng Saenuri và cam kết sẽ hồi sinh phong trào bảo thủ chân chính có thể minh oan cho bà Park.
Nhân tố Triều Tiên
Dù mỗi ứng cử viên đều đưa ra những cương lĩnh tranh cử khác nhau, nhưng trong bối cảnh vụ bê bối của bà Park vẫn chưa lắng xuống, đặc biệt là vụ Triều Tiên thử tên lửa sáng ngày 5/4, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn quốc “như một phép thử” đối với tất cả các ứng cử viên xem ai có đủ “năng lực” lãnh đạo đất nước.
Hôm 5/4, một ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Mỹ, Triều Tiên đã lại phóng một tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản. Đây được coi là một hành động thách thức nhắm vào cả Washington lẫn Bắc Kinh, trong bối cảnh hồ sơ Triều Tiên được cho là trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Theo Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 60 km trước khi rơi xuống biển. Hiện vẫn chưa thể xác nhận chính xác loại vật thể này. Ngay lập tức, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia.
Một Ủy ban Vận động tranh cử địa phương ở Hàn Quốc
Dù động cơ của Triều Tiên là nhằm thách thức hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, nhưng Hàn Quốc sẽ là nhân tố trực diện giải quyết vấn đề Triều tiên. Đây cũng là ưu tiên số 1 của các ứng cử viên sau việc ổn định tình hình chính trị Hàn quốc. Vì thế, các ứng cử viên Hàn quốc đều chú trọng thuyết phục cử tri bằng cách đưa ra các quan điểm cứng rắn trong vấn dế Triều Tiên và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Tuy nhiên, cho tới trước ngày 9/5, thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Hàn quốc, vẫn chưa có một gương mặt nào thực sự nổi trội. Hôm thứ 3 vừa rồi, các ứng cử viên đã có cuộc tranh luận về chính sách với những câu hỏi về THAAD và mối quan hệ với Trung quốc.
Bong Youngshik, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei, Seoul cho biết: "Cuộc bầu cử này không có gì để mất. Các đảng bảo thủ, vì những mối liên hệ của họ với bà Park Geun-hye trước đây, nên không có bất kỳ một ứng viên mạnh mẽ nào".
Việc có quá nhiều ứng cử viên bảo thủ và không ai thực sự nổi bật đã tạo thuận lợi cho cựu thành viên Quốc hội và lãnh đạo của Đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae-in. Là cựu trợ lý của Tổng thống Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in đã bị Park đánh bại trong cuộc đua Tổng thống năm 2012.
Theo kết quả thăm dò mới nhất do hãng Realmeter tiến hành, ông Moon Jae-in duy trì vị trí dẫn đầu trong 13 tuần liên tiếp với tỷ lệ ủng hộ 34,9%, trong khi số người ủng hộ ông Ahn Cheol-soo tăng lên mức 18,7%.
Trong khi đó, tờ Los Angeles Times hôm 6/4 nhận định cũng đã xuất hiện lo ngại về tiến trình bầu cử Tổng thống bị rút ngắn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp. Tuy nhiên, Ủy ban bầu cử Tổng thống quốc gia tuyên bố sẽ không để tình trạng “gian lập, cáo buộc hoặc mua bán gian lận phiếu” có thể xảy ra.