Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016

24-11-2015 21:38 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc quyết định ngày bầu cử...

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV và ĐB Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch HĐBCQG. 

Thông qua ngày bầu cử quốc gia và Hội đồng bầu cử Quốc gia

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, ngày bầu cử ĐB Quốc hội (ĐBQH) và ĐB HĐND các cấp theo quy định là ngày chủ nhật và phải công bố trước 115 ngày trước ngày bầu cử. Do vậy, ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được ấn định là ngày 22/5/2016 và UBTVQH sẽ công bố ngày bầu cử trước 115 ngày. Với 92,11% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua ngày bầu cử quốc gia là ngày 22/5/2016.

Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016

Quốc hội biểu quyết thông qua việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Về việc thành lập HĐBCQG, Tờ trình của UBTVQH nêu rõ, HĐBCQG có từ 15-21 thành viên, gồm Chủ tịch là Chủ tịch Quốc hội và 4 Phó Chủ tịch là Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với 16 thành viên Hội đồng gồm các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội gắn bó với việc bầu cử, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành đối với công tác bầu cử. Với 91,50% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua việc thành lập HĐBCQG.

Chiều 24/11, với 100% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, tất cả ĐBQH đã nhất trí bầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch HĐBCQG.

Chính thức cho phép quyền xác định lại giới tính

Cũng trong sáng ngày 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) có 26 chương với 689 điều, trong đó, vấn đề xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là việc đáng chú ý nhất. Theo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Điều 36 quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Cùng đó, theo Điều 37 của Bộ Luật Dân sự vừa được thông qua quy định về chuyển đổi giới tính: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Trong phiên làm việc ngày 24/11, các ĐB đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về việc chấm dứt hiệu lực thi hành đối với Quy chế hoạt động của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐB Quốc hội... 

Cân nhắc kỹ độ tuổi trẻ em nâng từ 16 lên dưới 18

Trong phiên thảo luận dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), vấn đề quy định độ tuổi trẻ em đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Bên cạnh các ý kiến cho rằng việc nâng độ tuổi trẻ em từ 16 lên dưới 18 tuổi là phù hợp, nhiều đại biểu còn băn khoăn việc này có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp. Phóng viên SK&ĐS  lược ghi một số ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016

ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đăk Nông): Nếu quy định lại độ tuổi trẻ em thì học sinh cấp 3 chưa biết để tổ chức nào quản lý

Nếu nâng độ tuổi dưới 18 gọi là trẻ em thì Luật Thanh niên sẽ phải sửa, tức là thanh niên Việt Nam sẽ từ 18 đến 30 tuổi (hiện Luật Thanh niên quy định tuổi thanh niên là từ 16 đến 30). Nếu Luật thanh niên cũng sửa như thế thì cũng phải sửa lại Điều lệ đoàn để tuổi đoàn viên từ 18 đến 30 và học sinh cấp 3 thì chưa biết để tổ chức nào quản lý.

Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016

ĐB Phạm Thị Hồng Nga (Hà Nội): Nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em

Việc quy định người từ 0 tuổi khi vừa sinh ra cho đến dưới 18 tuổi là trẻ em phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, phù hợp với độ tuổi hoàn thành giáo dục bậc trung học phổ thông. Mặt khác, từ 16 đến 18 tuổi là độ tuổi hết sức nhạy cảm cần phải được quan tâm đặc biệt để giúp trẻ em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, tránh nguy cơ phải lao động sớm, bị lạm dụng, bị xâm hại. Cùng đó, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ mở rộng được phạm vi áp dụng quyền trẻ em, như vậy sẽ tác động tốt đến việc khuyến khích học tập, đảm bảo tốt hơn cho nhóm người chưa thành niên có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm đầy đủ hơn, không phải bỏ học kiếm sống.

Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016

ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn): Lo ngại tình huống cả mẹ và con đều là trẻ em

Việc đưa người ở độ tuổi từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi vào nhóm trẻ em thì các em sẽ được pháp luật ưu đãi nhiều hơn, giảm tính răn đe của pháp luật đối với loại tội phạm ở lứa tuổi này. Một thực trạng khác, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hiện khá phổ biến trẻ em gái độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi đã kết hôn và sinh con mặc dù luật pháp không cho phép, nay nếu nâng độ tuổi thì khi sinh con trong bệnh viện phụ sản, cả hai mẹ con sẽ đều là trẻ em.

D.T

  Hoàng Dương - Anh Tuấn

 

 

 


Ý kiến của bạn