Hà Nội

Bầu cử Mỹ 2024: Tại sao bà Harris lại 'phớt lờ' vấn đề Ukraine trong chiến dịch tranh cử?

11-10-2024 06:31 | Quốc tế
google news

Có những lý do để giải thích tại sao bà Harris lại không tập trung vào vấn đề này, dù tình hình Ukraine là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Bầu cử Mỹ 2024: Tại sao bà Harris lại 'phớt lờ' vấn đề Ukraine trong chiến dịch tranh cử?- Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại chiến dịch vận động tranh cử ở Milwaukee, Wisconsin. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo tờ Telegragh của Anh ngày 9/10, trong chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris, một điều dễ dàng nhận thấy là vấn đề Ukraine không nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu. Điều này gây bất ngờ cho nhiều người, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn kiên định ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, có những lý do để giải thích tại sao bà Harris lại không tập trung vào vấn đề này, dù tình hình Ukraine là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Nếu kế nhiệm Tổng thống Biden, bà Harris được cho là sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại mà ông Biden đã thiết lập, bao gồm cả việc hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, trong quá trình vận động tranh cử, bà Harris đã chọn ưu tiên các vấn đề trong nước hơn là chiến sự tại Ukraine. Ví dụ, trong bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ và cả cuộc phỏng vấn trên kênh CBS mới đây, bà Harris đã tập trung nhiều vào các vấn đề nội địa như kinh tế, quyền phá thai và nhập cư.

Khi được hỏi về vấn đề Ukraine, bà chỉ trả lời một cách chung chung, thậm chí từ chối cam kết rõ ràng về việc ủng hộ Ukraine gia nhập NATO. Điều này cho thấy, có thể theo Phó Tổng thống Harris, cuộc xung đột ở Ukraine không phải là vấn đề quyết định phiếu bầu của người dân Mỹ. Việc viện trợ quân sự cho Kiev, dù quan trọng, lại không phải là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần.

Lý do chính khiến bà Harris dường như "phớt lờ" Ukraine là thay đổi trong thái độ của cử tri Mỹ đối với cuộc chiến này. Theo các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với viện trợ cho Ukraine đã giảm mạnh từ khi cuộc xung đột nổ ra. Vào thời điểm cao trào của cuộc chiến năm 2022, tỷ lệ ủng hộ rất cao, nhưng đến năm 2023, chỉ còn khoảng 24% cử tri ủng hộ mức viện trợ hiện tại cho Ukraine. Họ cảm thấy rằng cuộc chiến ở Đông Âu không mang lại lợi ích trực tiếp cho họ, trong khi những vấn đề kinh tế và xã hội trong nước như lạm phát và thất nghiệp lại ngày càng căng thẳng.

Điều này khiến bà Harris phải điều chỉnh chiến lược vận động của mình, tập trung nhiều hơn vào những vấn đề trong nước mà cử tri thực sự quan tâm. Sự thiếu nhiệt tình đối với cuộc xung đột ở Ukraine là phản ánh của một xu hướng chính trị rộng hơn tại Mỹ.

Đối với bà Harris, một yếu tố nữa khiến vấn đề Ukraine không nổi bật là sự cạnh tranh với đảng Cộng hòa. Cựu Tổng thống Donald Trump, đối thủ cạnh tranh từ Đảng Cộng hòa, đã tỏ rõ thái độ phản đối việc Mỹ tiếp tục can thiệp vào cuộc chiến này. Ông Trump thậm chí còn khẳng định rằng Mỹ nên tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thay vì lo ngại về Nga, và kêu gọi NATO chia sẻ gánh nặng viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, các thành viên khác của đảng Cộng hòa cũng bày tỏ hoài nghi về việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, cho rằng đó là "tấm séc trắng" mà Mỹ không thể cứ mãi cung cấp.

Chính vì thế, bà Harris có thể thấy rằng việc nêu bật vấn đề Ukraine không giúp bà thu hút sự ủng hộ của những cử tri dao động, đặc biệt là những người thuộc phe Cộng hòa hoặc có tư tưởng độc lập.

Ngoài việc mối quan tâm đến Ukraine suy giảm, các vấn đề trong nước đang thống trị chiến dịch tranh cử của bà Harris. Kinh tế, lạm phát, an sinh xã hội và nhập cư là những vấn đề chính mà cử tri Mỹ quan tâm nhất vào thời điểm hiện tại. Việc bà Harris tập trung vào những vấn đề này không chỉ là phản ứng với nhu cầu của cử tri, mà còn là chiến lược để giành phiếu bầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với đảng Cộng hòa.

Theo nhiều chuyên gia, việc không tập trung vào chính sách đối ngoại không phải là điều bất thường trong bối cảnh bầu cử Mỹ. Đối với phần lớn người dân Mỹ, các vấn đề trong nước luôn là ưu tiên số một. Trong một cuộc thăm dò gần đây, chính sách đối ngoại chỉ là ưu tiên hàng đầu của 1-2% cử tri tại các bang dao động như Michigan, Pennsylvania, và Georgia – những bang quan trọng quyết định kết quả bầu cử.

“Mọi người ít quan tâm hơn vì Ukraine ít được đưa tin. Còn có nhiều cuộc khủng hoảng khác trên thế giới, trong đó Gaza là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Tôi nghĩ rằng việc Ukraine bị kẹt trong cuộc xung đột đóng băng này trong năm qua cũng đã tác động đến sự ủng hộ”, Matt Duss, nhà phân tích cánh tả trước đây từng là cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cho biết.


Theo TTXVN/ Báo Tin tức
Ý kiến của bạn