Hà Nội

Bầu cử Italia: Chủ nghĩa dân túy một lần nữa sẽ tạo nên thay đổi?

04-12-2016 16:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 4/12, cử tri Italia bước vào cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp, sự kiện được cho là phép thử uy tín đối với Thủ tướng Matteo Renzi. Nhìn ở một khía cạnh khác, đây cũng là một phép thử đối với phong trào dân túy đang lên ngôi ở châu Âu.

Ngay lập tức, Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến liên quan tới cuộc bỏ phiếu này. Đơn giản là bởi cuộc trưng cầu ý dân lần này tại Italia, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang có nguy cơ tạo ra một cú sốc khác cho Liên minh châu Âu, sau quyết định của Anh. Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân lần này có thể sẽ làm tăng khả năng Italia rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu - điều mà châu Âu đang hết sức lo ngại.

Trong cuộc trưng cầu ý dân trên, Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã đề xuất cải cách hiến pháp, trong đó có việc giảm vai trò của Thượng viện. Ông Renzi đã cam kết sẽ từ chức nếu người dân bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp do ông đề xuất trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12.

Trước Italia, sự kiện ứng cử viên cánh hữu Pháp ông Francois Fillon vượt qua cựu Tổng thống Nicola Sarkozy và cựu Thủ tướng Pháp Alain Juppe để đại diện cho cánh hữu bước vào cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống Pháp là một bất ngờ. Điều đáng chú ý là, ứng cử viên này được cử tri Pháp tin cậy với những cam kết thay đổi mạnh mẽ và mang lại cuộc sống nhiều phúc lợi cho người dân. Trước đó, sự kiện ông Donald Trump giành thắng lợi, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cũng là những cú sốc khác khiến thế giới ngạc nhiên. Tất cả phản ánh một thực tế: chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi trong đời sống chính trị quốc tế. Nhưng điều gì khiến người dân các nước tin vào chủ nghĩa dân túy, hưởng ứng nó thay vì tin vào cam kết của các chính trị gia kỳ cựu?

Bầu cử ItaliaBiểu tình ở Áo đặt câu hỏi khái niệm mới “Mùa xuân yêu nước” sẽ hình thành?

Vì sao chủ nghĩa dân túy lên ngôi?

Phân tích về chiến thắng của ông Fillon, giới phân tích Pháp cho rằng đó là nhờ những cam kết mạnh mẽ cải thiện những quyền lợi sát sườn của người dân cũng như việc cổ súy cho hình ảnh “một nước Pháp trên hết”.

Mô tuýp này tương tự như ở Mỹ - nơi cách đây gần 1 tháng chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump đã làm nước Mỹ và cả thế giới chấn động. Với việc liên tục đưa ra khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Donald Trump đã thu hút sự ủng hộ của những cử tri da trắng nghèo, học vấn không cao, đặc biệt là những người bị bỏ lại sau lưng bởi quá trình toàn cầu hóa. Tương tự như thế, tại nước Anh, phe ủng hộ Brexit cũng đã đưa ra khẩu hiệu “Lấy lại quyền kiểm soát” để đánh vào tâm lý hoài niệm quá khứ, mong muốn lấy lại một nước Anh tự chủ - không phụ thuộc đã khiến người dân Anh quay lưng bỏ lại EU.

Vậy điều gì đang xảy ra?

Nhìn lại chuỗi các sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ, Pháp, Italia với kết quả sẽ có trong ngày 5/12 cho thấy những người chiến thắng đều có những tính toán thận trọng để thu hút sự ủng hộ tối đa của người dân. Nhưng đặt câu hỏi ngược lại: nếu xã hội Mỹ và phương Tây chỉ một màu hồng thì vì sao người dân các quốc gia ấy lại phải quay lưng lại? Về lý thuyết, có thể tâm lý muốn thay đổi đã khiến người dân Pháp, Mỹ, Anh và có thể là Italia... đưa ra sự lựa chọn cuối cùng. Nhưng sâu xa hơn, đó là tâm lý bất an, những bức xúc về lợi ích kinh tế; sự chán ghét tầng lớp lãnh đạo - chỉ đứng về phía người giàu và nỗi lo sợ bị bỏ lại phía sau... đã khiến cho người dân các nước bỏ lại giới tinh hoa chính trị bằng lá phiếu.

Những điều tưởng như không thể xảy ra, rốt cuộc đã xảy ra. Sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ với chủ nghĩa dân túy lên ngôi phải chăng đang báo hiệu một sự thay đổi mới? Tại Pháp, đảng Mặt trận dân tộc cực hữu đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tranh cử Tổng thống vào tháng 4/2017. Tương tự, từ Áo tới Hà Lan, Italia tới các nước EU, các đảng nhỏ đang dần mạnh lên với những khẩu hiệu hướng tới người dân và được người dân ủng hộ.

Vậy, liệu sẽ có thêm bất ngờ nào xảy ra trong những ngày tới?

Không chỉ có cử tri Italia đi bầu cử trong ngày hôm qua mà cả Áo cùng bước vào những cuộc bỏ phiếu quyết định ngày 4/12. Các dự đoán cho thấy nhiều khả năng nước Áo sẽ có một Tổng thống theo xu hướng cực hữu. Tuy nhiên, nếu ông Trump đã thắng cử ở Mỹ và nước Anh đã rời EU, thì việc các nhân vật dân túy ở châu Âu giành chiến thắng là điều hoàn toàn có thể. Tờ Bloomberg đã dự đoán thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của phong trào dân túy qua những cuộc bầu cử ở Hà Lan, Áo, Đức và Pháp trong thời gian tới.

Dù muốn hay không, thế giới vẫn không ngừng thay đổi. Sau những gì xảy ra, hiện người ta đang nói tới một khái niệm mới có tên gọi “Mùa xuân yêu nước”. Hẳn còn quá sớm để nói về trào lưu này. Nhưng chắc chắn, khi hào nhoáng của toàn cầu hóa qua đi, dù ở xã hội nào - quốc gia nào, phương Tây hay phương Đông, nếu tiếng nói của người dân không được lắng nghe, nhu cầu của họ không được tôn trọng và họ bị bỏ lại bên lề xã hội thì những phong trào dân túy mới lại có thể xuất hiện. Tất nhiên, kéo theo đó sẽ là những hệ lụy khó dự đoán đối với địa chính trị toàn cầu.


N.Quang
Ý kiến của bạn