Hà Nội

Bầu cử Indonesia: Thế giằng co quyết liệt

17-04-2019 07:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 17/4, 192 triệu cử tri Indonesia bắt đầu đi bầu cử Quốc hội và Tổng thống mới.

Cuộc bầu cử lần này là cuộc đua giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và cựu tướng quân đội Prabowo Subianto. Đến thời điểm hiện tại, tương quan hai bên vẫn chưa ngã ngũ.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên truyền hình ngày 13/4, hai ứng cử viên Tổng thống đã tập trung vào các vấn đề kinh tế và phúc lợi xã hội, tài chính, đầu tư, thương mại và công nghiệp. Tại cuộc tranh luận, ứng cử viên Prabowo Subianto tuyên bố sẽ tăng giá trị cho ngành công nghiệp của Indonesia. Ông Prabowo cho rằng chính quyền Tổng thống Joko Widodo chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và kết quả là ngành công nghiệp bị tụt hậu. Việc thúc đẩy ngành công nghiệp và duy trì sự chắc chắn trong kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp của Indonesia. Đáp lại những chỉ trích của ông Prabowo liên quan đến cơ sở hạ tầng, ông Widodo nói rằng đó là một phần của giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế của mình.

Không chỉ có Tổng thống Widodo, ứng cử viên Prabowo Subianto cũng đang giành rất nhiều lợi thế.

Không chỉ có Tổng thống Widodo, ứng cử viên Prabowo Subianto cũng đang giành rất nhiều lợi thế.

Indonesia sẽ tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống vào ngày 17/4 trên phạm vi cả nước. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Indonesia, có 5 cuộc tranh luận của các ứng cử viên được lên kế hoạch diễn ra vào các ngày 17/1, 17/2, 17/3, 30/3 và cuối cùng là ngày 13/4. Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo tham gia tranh cử với người liên danh Maruf Amin, trong khi đối thủ của cặp ứng cử viên này là ông Prabowo Subianto và Sandiaga Uno.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chủ đề tranh cử năm nay không chỉ là những dự án kinh tế thông thường mà còn cả những dự án đầu tư vốn vay Trung Quốc. Hãng tin Pháp AFP dẫn ý kiến của ông Deasy Simandjuntak, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận xét “Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc là một vấn đề chủ chốt trong các cuộc bầu cử tại nhiều nước châu Á”. Đây cũng chính là những luận điểm mà ứng cử viên Prabowo Subianto “khoét sâu” trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Ông Prabowo Subianto cho rằng cần xem xét lại các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những công trình nằm trong khuôn khổ dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Đây cũng là điểm yếu khiến cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Indonesia ngày càng gay cấn.

Một thách thức đối với cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp Indonesia năm 2019 là vấn đề kỹ thuật. Đây là cuộc bầu cử phức tạp với mỗi cử tri phải bỏ 5 lá phiếu khác nhau phân biệt qua màu sắc. Hơn 5,6 triệu nhân viên phòng phiếu phải thực hiện các bước thủ tục hành chính phức tạp trong việc quản lý khoảng 809.500 điểm bỏ phiếu trên cả nước và ở nước ngoài.

Hiện tại, để đảm bảo kỳ bầu cử Quốc hội và Tổng thống Indonesia, các chuyên gia an ninh mạng đã đề nghị Ủy ban bầu cử quốc gia Indonesia (KPU) rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào công nghệ, độ bảo mật thông tin, cũng như hệ thống dữ liệu và thông tin. Ông Pratama Persadha cựu trưởng nhóm an ninh của Cơ quan mã hóa bảo mật an ninh công nghệ thông tin của KPU trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014, cho rằng cần phải tiến hành rà soát hệ thống công nghệ thông tin và Cơ quan mã hóa và mạng quốc gia (BSSN). Ngoài ra, việc kiểm phiếu bằng tay cũng sẽ được thực hiện tại các điểm bỏ phiếu và các kết quả sẽ được lưu trong biểu mẫu, sau đó sẽ được tập hợp và thống kê ở cấp huyện, tỉnh và cuối cùng là trên phạm vi toàn quốc.

Đánh giá về tương quan lực lượng giữa hai ứng cử viên, giới phân tích cho rằng mặc dù trong nhiệm kỳ hiện nay, ông Widodo chưa thể nâng tăng trưởng kinh tế lên 7% như cam kết năm 2014, nhưng tăng trưởng hàng năm của Indonesia luôn duy trì ở mức 5%. Dưới sự lãnh đạo của Widodo, nền kinh tế quốc gia Indonesia đã tăng trưởng ổn định, tỷ lệ nghèo đói giảm. Do đó, tỷ lệ ủng hộ của người dân trong cuộc bầu cử lần này với Tổng thống Widodo đang khá cao. Trong khi đó, ứng cử viên Subianto cũng tổ chức chiến dịch tranh cử cuối cùng tại  Surabaya với lời kêu gọi sự ủng hộ từ những người Hồi giáo chiếm đa số.

Hiện, ngoài 115.000 người được KPUD tuyển dụng để hỗ trợ cử tri trong cuộc bầu cử vào ngày 17/4, còn có gần 22.000 sĩ quan cảnh sát được huy động làm nhiệm vụ bảo vệ các khu vực bầu cử để đối phó với bất kỳ xung đột nào giữa các cử tri hoặc các mối đe dọa an ninh khác. Ông Wiranto, Bộ trưởng Điều phối Chính trị và An ninh Indonesia cho biết “Chúng ta cần đảm bảo bầu cử diễn ra an toàn, trật tự và thành công. Thành công có nghĩa là mỗi lá phiếu của người dân sẽ bầu ra các lãnh đạo địa phương và Trung ương có khả năng đưa đất nước phát triển hơn nữa”.


N.Quang
Ý kiến của bạn