Hà Nội

Bầu cử Hạ viên Nhật Bản: Những tính toán của Thủ tướng Shinzo Abe

22-10-2017 09:36 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 22/10, Nhật bản tổ chức bầu cử Hạ viện trước thời hạn.

Quyết định của Thủ tướng Abe kêu gọi bầu cử sớm vào thời điểm này được giới chuyên gia đánh giá có ý nghĩa chiến lược, khi vừa tận dụng được sự bất ổn của phe đối lập cũng như tỉ lệ ủng hộ Thủ tướng đang gia tăng. Liệu Thủ tướng Abe một lần nữa sẽ lại giành chiến thắng?

Cuộc bầu cử Hạ viện năm nay có 1.180 ứng cử viên chạy đua vào 465 ghế. Trong đó, sẽ có 289 nghị sĩ được bầu trực tiếp và 176 nghị sĩ được bầu thông qua một hệ thống tỷ lệ đại diện.  Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật bản chủ yếu là cuộc cạnh tranh giữa ba đảng phái lớn, bao gồm chính đảng liên minh cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công Minh;đảng Hy vọng và Hội Duy tân Nhật Bản; đảng Cộng sản Nhật Bản liên kết với đảng Dân chủ lập hiến và đảng Xã hội Dân chủ. Trong chiến dịch tranh cử kéo dài 12 ngày qua, các đảng đệp tập trung vào 2 trọng tâm là khôi phục kinh tế và đối phó với mối đe dọa từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Riêng đối với liên minh cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) và đảng Công Minh, 2 trọng tâm này có thể coi là ưu thế của Thủ tướng Abe, khi số liệu mới nhất cho thấy, GDP của Nhật Bản tăng ở mức 2,5% từ tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Tỉ lệ này cao hơn đáng kể so với giới phân tích dự đoán và đồng nghĩa với việc Nhật Bản đã có 6 quí liên tiếp tăng trưởng. Vấn đề được quan tâm tiếp theo đó là chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Thủ tướng Abeđược cho là đang chiếm ưu thế với hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ có các tuyên bố đáp trả cứng rắn nhằm vào Triều Tiên đang nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri.

Bầu cử Hạ viên Nhật BảnCử tri Nhật bản ngày 22/10 đã đi bỏ phiếu bầu cử Hạ viện

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ Đảng Hy vọng mới được thành lập của bà Yuriko Koike  bị giảm sút do nhiều cử tri còn thận trọng về đường lối tranh cử cũng như khả năng lãnh đạo đất nước chưa được kiểm chứng. Chuyên gia phân tích của Trường Đại học Meiji tại Nhật Bản Masamichi Ida cho rằng “ Khả năng thay thế chính quyền hiện nay của liên minh đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) và đảng Công minh mới (Tomeito) là rất thấp”.

Hiện có những nhận định lạc quan về chiến thắng của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản. Thậm chí tờ Yomiuri Shimbun tại Nhật Bản còn cho rằng, LDP có thể tự đảm bảo đa số mà không cần phải liên minh với các đảng khác. Nếu giành được đa số, với 2/3 số ghế trong Quốc hội, Thủ tướng Abe sẽ có điều kiện thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản.

Những cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy sát ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ tự do vẫn đang duy trì ở mức trên 30%, trong khi tỷ lệ ủng hộ các đảng đối lập giảm mạnh xuống ngưỡng dưới 7%. Các đảng đối lập đang chia rẽ quan điểm sâu sắc về các chính sách liên quan đến an ninh và hiến pháp. Với sự cách biệt lớn trước ngày bầu cử, Đảng Dân chủ tự do nhiều khả năng sẽ duy trì được thế đa số tại Quốc hội. Liên minh cầm quyền được dự báo có thể giành được trên 300 ghế trong tổng số 465 ghế Hạ viện, đủ để duy trì khả năng tự mình thông qua các chính sách lớn tại Quốc hội, đồng thời đảm bảo vị thế vững chắc của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe.Thủ tướng Abe nhấn mạnh “Chúng tôi tái khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ cuộc sống cũng như sự hạnh phúc của tất cả người dân Nhật Bản”.

Bầu cử Hạ viên Nhật BảnThủ tướng Abe sẽ lại giành chiến thắng?

Những lợi thế vững vàng của liên minh cầm quyền trước thềm bầu cử cho thấy dường như Thủ tướng Abe đã có một nước cờ sáng suốt trong việc tổ chức bầu cử Hạ viện trước thời hạn nhằm xây dựng lại cơ sở chính trị tại cơ quan lập pháp có quyền thành lập chính phủ này.  Nhiều khả năng Thủ tướng Abe giữ được thế đa số với hơn 2/3 số ghế tại Hạ viện và điều này sẽ giúp ông Abe có cơ hội thay đổi Hiến pháp Nhật Bản theo cách mà ông mong muốn. Ngoài ra, những chính sách ngoại giao mà ông Abe đang theo đuổi, như việc tiếp tục củng cố quan hệ với Mỹ trong bối cảnh mối họa Triều Tiên đang ngày một lớn sẽ vẫn được duy trì.

Dù vậy, cuộc bầu cử trước thời hạn lần này vẫn được xem là “canh bạc” đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Người ta vẫn nhớ tới kịch bản “vết xe đổ” của Thủ tướng Anh Theresa May khi quyết định bầu cử sớm trong bối cảnh Đảng Bảo thủ đang chiếm ưu thế, để rồi cuối cùng phải nhận "trái đắng” khi đánh mất nhiều ghế tại Quốc hội vào tay các đối thủ. Và trong trường hợp liên minh giữa Đảng Dân chủ tự do với Đảng Công Minh không giành được chiến thắng lớn, ít nhất là giành được 2/3 số ghế tại Hạ viện, thì rất có thể ông Abe sẽ bị đảng cầm quyền của mình loại bỏ trong một cuộc bầu cử lãnh đạo vào năm tới. Ngoài ra, còn một nhân tố đáng lưu ý khác, có lẽ chính là việc thị trưởng nổi danh Tokyo, bà Yuriko Koike bước vào “cuộc chiến”. Hiện bà Yuriko Koike đang được đánh giá là một trong những đối thủ đáng gờm nhất của Thủ tướng Abe trong cuộc đua giành cương vị người đứng đầu chính phủ Nhật Bản ở nhiệm kỳ tới. Theo một số nhà phân tích, cuộc bầu cử lần này có thể sẽ hoàn toàn khác biệt với các cuộc bầu cử trước đó ở xứ sở anh đào, khi dự báo là sẽ nhiều kịch tính và hồi hộp hơn, bởi đây cũng sẽ “phép thử” về sự ủng hộ của cử tri đối với các đảng chính trị trong nước.


Nguyệt Minh
Ý kiến của bạn