71 năm trước, Cách mạng Tháng Tám nước ta nổ ra và giành thắng lợi đã khơi nguồn cảm hứng để nhiều tác phẩm sống mãi với thời gian ra đời. Đặc biệt trong số đó phải kể tới ca khúc Mười chín tháng Tám (ra đời ngày 19/8/1945) của cố nhạc sĩ Xuân Oanh và bộ phim truyện nhựa Sao tháng Tám (sản xuất năm 1976) - cố đạo diễn, NSND. Trần Đắc.
Từ nhạc phẩm đặc biệt Mười chín tháng Tám
Cho tới nay, nhắc đến ca khúc về Cách mạng Tháng Tám thành công, người yêu nhạc mọi thế hệ đều nhớ tới tác phẩm Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh đầu tiên. Cứ đến dịp kỷ niệm Tháng Tám lịch sử, giai điệu và lời ca hào hùng từ ca khúc Mười chín tháng Tám lại vang lên: “...Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam/ Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...”.
Cảnh trong phim Sao tháng Tám của cố đạo diễn Trần Đắc.
Theo các tư liệu, nhân chứng lịch sử và lời kể của chính nhạc sĩ Xuân Oanh lúc sinh thời, ca khúc Mười chín tháng Tám được tác giả viết ngay trong lúc đang cùng dòng người tham gia đoàn biểu tình ngày 19/8/1945. Thời điểm đó, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi trên đường, vừa vội vàng lấy mẩu giấy từ vỏ bao thuốc lá để ghi lại những ca từ đầu tiên, viết được câu nào thì nhạc sĩ bắt nhịp cho đồng bào trong đoàn biểu tình cùng hát theo. Để rồi từ đường Hàng Bài, sau khi đoàn biểu tình chiếm được trại lính khố xanh, đến khi tập hợp lại trước cửa Nhà hát Lớn thì bài hát cũng vừa sáng tác xong.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Xuân Oanh từng kể rằng, ca khúc ông viết ban đầu chưa kịp đặt tên, viết buổi sáng thì buổi chiều đã được in ra và phát đi rộng rãi tới toàn thể quần chúng cách mạng trên Đài Tiếng nói Việt Nam với tên gọi Mười chín tháng Tám. Theo giới trong nghề cùng thời nhạc sĩ Xuân Oanh, ca khúc Mười chín tháng Tám có giai điệu đơn giản mà mạch lạc, dễ hát, dễ nhớ. Ca khúc thể hiện một không khí lạc quan, sôi sục của những ngày đầu cách mạng, truyền nhiệt huyết cho toàn thể những người Việt Nam yêu nước.
Về sau, trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, ca khúc Mười chín tháng Tám cũng đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ với những người chiến sĩ khắp mọi miền đất nước. Để rồi trải qua thăng trầm thời gian, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, mỗi năm, đến dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ca khúc bất hủ và đặc biệt nhất của nhạc sĩ Xuân Oanh lại vang lên trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Và chính vì lẽ đó, Mười chín tháng Tám đến nay đã 71 mùa xuân nhưng vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan tỏa trong lòng các thế hệ Việt với ca từ đầy tự hào: “...Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề/ Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”...
Đến tượng đài điện ảnh Sao tháng Tám
Không ra đời ngay trong sự kiện lịch sử trọng đại đương thời như ca khúc Mười chín tháng Tám, nhưng đến nay nền điện ảnh Việt cũng có bộ phim truyện nhựa Sao tháng Tám của cố đạo diễn - NSND. Trần Đắc, sản xuất năm 1976, được xem là tác phẩm thành công nhất về đề tài Cách mạng Tháng Tám. Đây cũng được xem là bộ phim duy nhất mà khán giả nước nhà nhớ tới mỗi khi nói đến các tác phẩm về đề tài Cách mạng Tháng Tám hào hùng của dân tộc.
Bộ phim của cố đạo diễn - NSND. Trần Đắc lấy bối cảnh những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thời điểm nạn đói Ất Dậu lan tràn khắp mọi nơi, ý tưởng của bộ phim đã phần nào bao quát lại một giai đoạn, một bước ngoặt không thể nào quên trong lịch sử Việt Nam. Giá trị lịch sử, giá trị hiện thực, giá trị nhân văn thấm trong từng thước phim, làm nên sức sống trường tồn của Sao tháng Tám. Bộ phim truyện nhựa này đã cho thấy cuộc đấu tranh từng giờ, từng phút của những chiến sĩ trong phạm vi nhỏ ở nội và ngoại thành Hà Nội từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1945. Mỗi nhân vật là biểu trưng cho một tầng lớp tham gia kháng chiến từ lôi kéo, vận động quần chúng rải truyền đơn, huy động công nhân đình công ở các nhà máy, xí nghiệp đến trực tiếp liên lạc, chống lại Việt gian.
Xem Sao tháng Tám, khán giả nhận thấy đoàn làm phim đã vượt qua những khó khăn về việc thiếu thốn phương tiện kỹ thuật nhưng trên hết, bộ phim đã cho người xem được chứng kiến những tình tiết phim được sắp xếp, chắt lọc để rồi khi đến cảnh cách mạng thành công, đoàn người cầm cờ đỏ sao vàng, giơ cao khẩu hiệu chiến thắng trên đường phố Thủ đô, từng gương mặt hân hoan trong niềm vui chiến thắng... Ngoài ra, bộ phim này còn sử dụng những khúc tráng ca cách mạng của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi cùng giai điệu Quốc tế ca làm sống dậy một thời kỳ hào hùng của đất nước. Chính cái kết phim với một hình ảnh đẹp và đầy tính biểu tượng, kết hợp phần âm nhạc tráng ca đã làm tăng thêm tình yêu đất nước của khán giả ở bất cứ thời đại nào.
Đến nay, nhiều người trong nghề và công chúng đánh giá, Sao tháng Tám là một trong những bộ phim về Cách mạng Tháng Tám có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Và cũng ít ai biết, tại Liên hoan phim Việt Nam lần IV năm 1977, Sao tháng Tám đã giành Giải thưởng Bông sen Vàng và cá nhân NSƯT. Thanh Tú được trao giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn chị Nhu - một cán bộ Việt Minh cốt cán.