Bát trân thang: Điều trị hiếm muộn nữ do khí huyết suy

SKĐS - Đây là bài thuốc dùng để điều trị phụ nữ hiếm muộn, vô sinh do khí huyết suy, người xanh xao, thường mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt...

Đây là bài thuốc dùng để điều trị phụ nữ hiếm muộn, vô sinh do khí huyết suy, người xanh xao, thường mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt... Dùng bài thuốc, người phụ nữ  vừa có thể có thai, vừa nâng cao sức khỏe toàn diện, ăn ngon, ngủ yên.

Người xưa có câu, khí huyết xung hòa, trăm bệnh không sinh ra. Khí làm hướng đạo cho huyết, huyết làm chỗ dựa cho khí. Khí thuộc dương chủ động mà vận hành, huyết thuộc âm chủ tĩnh mà phụ vào. Tác dụng của khí vô hình là lưu thông, thể chất của huyết hữu hình là nương tựa và giữ gìn. Cho nên khí hành thì huyết theo. Phụ nữ khí huyết suy thường khó sinh con. Các bài thuốc dùng cho trường hợp này chỉ huyết hay chỉ bổ khí thôi thì chưa đủ mà phải bổ cả khí lẫn huyết.

Bài thuốc kinh điển

Đó là bài Bát trân, gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, thục địa 20g, bạch thược 12g, đảng sâm 12g, bạch linh 12g, bạch truật 12g, cam thảo 10g.

Qua kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi gia: hương phụ 12g, ích mẫu 12g, ngải cứu 6g, huỳnh cầm 12g, sâm Cát Lâm 4g, sa sâm 10g, ngưu tất 4g, đại táo 3 trái.

Bát trân thang: Điều trị hiếm muộn nữ do khí huyết suyĐương quy

Ngoài ra, tùy bệnh có thể gia: hồng hoa, đào nhân, đỗ trọng, tục đoạn, kỷ tử, nhục thung dung...

Ngày sắc 1 thang, chia 3 lần uống.

Đây là bài thuốc bổ khí huyết kinh điển, được hợp lại từ hai bài thuốc là bài Tứ quân (tác dụng bổ khí) và Tứ vật (bổ huyết), 2 bài kết hợp lại đều bổ khí lẫn huyết ở hậu thiên đều hư.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: khí là vệ thuộc dương, huyết là dinh thuộc âm; đó là lưỡng nghi ở người, nếu dùng Tứ vật thì cố âm cho nên kết hợp cả Tứ quân để bổ cả khí lẫn huyết không lo âm dương thiên thắng cho nên gọi là Bát trân. Khí huyết sung mãn sẽ sống lâu.

Cấu trúc bài thuốc Tứ vật (bổ huyết) gồm: đương quy, thục địa, bạch thược, xuyên khung.

Tứ vật là bài thuốc vừa bổ huyết, vừa hoạt huyết (người xưa còn nói bài thuốc này là bài thuốc chuyên để điều huyết “Điều huyết chi chuyên tễ”). Trong bài thuốc có đương quy là bổ huyết, hòa huyết, địa hoàng là bổ huyết tư âm là Quân; bạch thược là dưỡng huyết liễm âm để tăng tính dược của Quân, làm cho chức năng tàng huyết của Can tốt, làm Thần. Xuyên khung có tác dụng hành huyết trong khí làm huyết lưu thông chống huyết ứ trệ cho nên là Tá và Sứ.

Như vậy bài thuốc này có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết kiêm cả hành khí, cho nên không những điều trị huyết hư mà dùng cho cả huyết ứ trệ.

Bài thuốc Tứ quân (bổ khí) gồm các vị: nhân sâm, bạch linh, bạch truật, cam thảo (chích).

Bài chủ yếu để bổ khí hoặc kiện tỳ,  ích khí. Trong đó, nhân sâm bổ khí, bổ chân khí (nguyên khí), bổ 5 tạng có tính cam ôn nên còn kiện tỳ dưỡng vị là Quân; bạch truật khổ ôn để kiện tỳ vận thấp (hóa thấp) phối hợp với nhau để bổ khí kiện tỳ là Thần; Phục linh cam đạm để thẩm thấp kiện Tỳ giúp bạch truật tăng tác dụng hóa thấp là Tá; cam thảo chích tính cam ôn cũng là bổ khí hòa trung đưa thuốc vào Tỳ làm chức năng điều hòa các vị thuốc giúp nhân sâm ích khí và hòa trung là Sứ. Cho nên bài thuốc này bổ khí kiện tỳ mà không gây thấp trệ tăng lên, cơ thể khỏe hơn. Bốn vị này có tính hòa hoãn, dễ uống, đều làm ăn ngon, bổ khí.

Bài này vừa bổ khí hòa trung, vừa kiện tỳ trừ thấp. Tùy theo mối quan hệ nhân quả của 2 tác dụng của bài này mà dùng. Nhưng tỳ vị chủ hậu thiên là nguồn sinh hóa ra khí huyết cho nên nếu khí hư vẫn phải kiện tỳ còn bổ khí hòa trung là hỗ trợ: hai vấn đề này rất quan hệ mật thiết không thể không kết hợp.

Bát trân thangXuyên khung

Những công dụng

Bát trân từ lâu vẫn nổi tiếng là một bài thuốc có công dụng bồi bổ khí huyết, có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống thiếu máu và điều trị các bệnh sản phụ khoa, dùng tốt cho trường hợp rối loạn kinh nguyệt. Trong các trường hợp vô sinh nữ, nhiều người do khí huyết đều hư, sức khỏe suy yếu kinh nguyệt rối loạn… dẫn đến khó có con.  Những trường hợp này dùng bài bát trân rất tốt.

Theo các nghiên cứu của y học hiện đại bát trân có tác dụng thúc đẩy quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lượng huyết sắc tố, từ đó phòng chống hữu hiệu tình trạng thiếu máu. Ngoài ra, Bát trân còn có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, điều tiết sự co bóp của tử cung, bảo vệ gan, chống mệt mỏi và nâng cao năng lực thích ứng của cơ thể.

Theo kinh nghiệm điều trị hiếm muộn, vô sinh nữ, tôi đã dùng bài Bát trân gia những vị thuốc bổ huyết, bổ khí. Nhiều trường hợp dùng bài này có kết quả tốt.

Bát trân là một trong những phương thuốc song bổ khí huyết rất tốt và thông dụng, thường được dùng làm hạt nhân để gia giảm, cấu tạo nên các bài thuốc mới, chủ yếu vẫn sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc viên hoàn mềm. Ở vô sinh hiếm muộn nữ, thuốc dùng điều trị cho người khí huyết đều hư, thường có triệu chứng: da xanh, môi nhợt hoa mắt người gầy mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí hồi hộp, ăn ít, lưỡi nhạt, mạch tế, kinh nguyệt rối loạn.

BS. Nguyễn Phú Lâm
Ý kiến của bạn