Hà Nội

Bất thường cơ quan sinh sản vẫn sinh con tự nhiên

16-03-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Những người khỏe mạnh đôi khi sinh con còn gặp khó khăn nhưng trong thực tế lại có những phụ nữ bị dị tật hệ thống sinh sản...

Những người khỏe mạnh đôi khi sinh con còn gặp khó khăn nhưng trong thực tế lại có những phụ nữ bị dị tật hệ thống sinh sản nhưng vẫn “mẹ tròn con vuông”. Bí ẩn y học này đến nay khoa học vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

2 âm đạo, 2 tử cung, 4 lần sảy thai vẫn sinh con

Không chỉ có sức khỏe yếu mà chị Leona Doherty (35 tuổi, ở Derry, Bắc Ai-len) lại có tới 2 tử cung, 2 âm đạo nhưng mới đây đã sinh con bình thường, thậm chí đã qua tới 4 lần sảy thai. Ngay từ khi mới chào đời, người phụ nữ này đã mắc phải căn bệnh hiếm gặp, có cấu trúc tử cung khác thường, chuyên môn gọi là hội chứng tử cung kép (uterus didelphys). Theo thống kê, trên thế giới hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh này rất hiếm, chỉ tính trên đầu ngón tay, chính hội chứng này đã làm cho người trong cuộc gặp phải nhiều biến chứng thai kỳ, kể cả sảy thai lặp đi lặp lại.

Tử cung bình thường (trên) và tử cung kép (dưới).

Ngoài ra, cơ hội mang thai của Leona còn giảm đi một nửa bởi mỗi tử cung chỉ có một ống dẫn trứng và một buồng trứng. Dù cơ hội mang thai và dưỡng thai khó khăn nhưng cuối cùng sau 14 năm cố gắng chị Leona cùng chồng, anh Gary (41 tuổi) đã sinh được bé trai khỏe mạnh, đặt tên là Hugh Doherty, nặng 2,5kg.

Theo tờ DailyMail của Anh, ca sinh của chị Leona phải qua mổ hồi tháng 12/2014 nhưng lại khá suôn sẻ, em bé chào đời sau 12 tháng kể từ khi người mẹ gặp trở ngại sức khỏe nghiêm trọng, bị đột quỵ phải cấp cứu do suy gan và thận, có lúc tưởng như không sống nổi, còn anh Gary thì hàng ngày phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm.

Đầu tháng Giêng 2015, trong niềm vui phấn khởi khi năm mới đến, chị Leona xúc động cho biết, để có được bé như ngày hôm nay, vợ chồng chị đã phải vất vả trong suốt 14 năm liền nhưng chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. “Hugh ra đời là sự kiện trọng đại và tuyệt vời trong cuộc đời vợ chồng tôi, cảm giác vui sướng không tả nổi. Từ bây giờ chúng tôi chính thức được làm cha, làm mẹ”- chị Leona nhớ lại.

Theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới cứ 5 triệu phụ nữ thì có 1 mắc bệnh có 2 tử cung. Mặc dù 2 âm đạo, 2 buồng trứng riêng nhưng cuộc sống tình dục vẫn diễn ra bình thường, song việc thụ thai và mang thai lại chỉ diễn ra trong một tử cung. May mắn, trong lần mang thai thứ 5, chị Leona  đã không gặp sự cố nào, tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ chị đã quyết định sinh mổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Hội chứng tử cung kép là gì?

Hội chứng tử cung kép là dị tật tử cung bẩm sinh, tình trạng phụ nữ sở hữu 2 tử cung, 2 buồng trứng, đôi khi cả 2 âm đạo riêng biệt. Tử cung kép có 2 cổ riêng biệt và thường là một âm đạo kép. Mỗi tử cung có một cái sừng duy nhất liên kết với ống dẫn trứng ở cùng bên đối diện với phía buồng trứng của nó.

Chị Leona Doherty cùng chồng và bé Hugh Doherty.

Thông thường, tử cung được hình thành trong quá trình tạo phôi bằng việc hợp nhất hai ống cạnh trung thận (còn gọi là ống dẫn Müller). Quá trình này hợp nhất hai Müller vào tâm tử cung duy nhất, nhưng điều này lại không xảy ra ở nhóm mắc hội chứng tử cung kép mà thay vào đó hệ thống ống dẫn Müller vẫn ở trạng thái đôi. Một tử cung kép sẽ có cổ tử cung đôi và thường được kết hợp với một âm đạo đôi. Nguyên nhân của sự không hóa lỏng ống dẫn Müller ở nhóm mắc dị tật đường sinh sản đến nay chưa biết rõ. Khiếm khuyết này có thể gây ảnh hưởng đến âm đạo, hệ thống thận và xương. Dạng ít phổ biến hơn là tử cung vòng cung, tử cung có vách ngăn, tử cung hai nội mạc và một kênh cổ chung, các loại dị tật kiểu này hiếm gặp hơn, khoảng 1/3.000 phụ nữ mắc bệnh.

Phụ nữ mắc hội chứng tử cung kép không có bất kỳ triệu chứng nào nên họ không biết bệnh. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của TS. Heinonen ở ĐH Harvard (Mỹ) ở 26 phụ nữ có tử cung kép cho thấy, nhóm người này thường có dấu hiệu như đau bụng kinh và đau đớn khi giao hợp. Tỷ lệ sống sót của thai nhi ở 18 người khi vượt cạn là 67,5%, phải mổ là 43% và sinh non là 21%.

Chẩn đoán khi khám phụ khoa thường phát hiện thấy âm đạo kép và tử cung đôi, tuy nhiên không phải tất cả mắc hội chứng tử cung kép đều có 2 tử cung và 2 âm đạo. Kỹ thuật hữu ích để phát hiện nhanh hội chứng tử cung kép là siêu âm tử cung qua âm đạo và các kỹ thuật như siêu âm bơm nước buồng tử cung, chụp cản quang tử cung vòi trứng, MRI và nội soi buồng tử cung và gần đây có thêm kỹ thuật siêu âm 3-D được xem là hiệu quả, ít xâm lấn và phát hiện nhanh các dị dạng tử cung. Hội chứng tử cung kép đôi khi dễ nhầm lẫn với dị tật vách ngăn tử cung hoàn toàn, vì vậy cần làm thêm một số thủ thuật, xét nghiệm và tư vấn các chuyên gia nội tiết sinh sản có trình độ, kinh nghiệm và phần lớn (trên 80%) được sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con.

Do tỷ lệ mắc bệnh hiếm nên rất khó biết chính xác sự xuất hiện của các dị tật bất thường này, bệnh nhân có dị tật tử cung đôi cần phòng ngừa các sự cố trong quá trình mang thai như sinh non, sảy thai và đôi khi thai nhi chậm phát triển và chảy máu sau sinh. Một số trường hợp thai đôi, mỗi tử cung mang một thai riêng như trường hợp một phụ nữ tên là Sarah Reinfelder (ở Marie, Michigan, Mỹ) sinh hai bé ngày 26/2/2009 mặc dù sinh non trước 7 tuần. Cũng có trường hợp sinh con xảy ra vào các thời điểm khác nhau, có thể vài ngày hoặc thậm chí cách nhau tới một tuần. Hoặc trường hợp chị Hannah Kersey ở Devon (Anh) đã sinh ba hồi năm 2006. Một cặp song sinh ra đời từ một trứng được cấy vào tử cung sau đó chia đôi và một trẻ từ một trứng duy nhất cấy vào tử cung khác. Đây là ca sinh ba đầu tiên được biết đến của một người phụ nữ có tử cung kép. Người ta ước tính, ca sinh kiểu này chiếm tỷ lệ 1/25 triệu trường hợp. Một ca sinh ba khác được biết đến là một phụ nữ người Israel hồi năm 1981, trong đó một bé chết trong tử cung, hai bé còn lại, một chào đời ở 27 tuần thai và một còn lại ra đời sau đó 72 ngày.

(Theo Daily Mail, 2/2015)

Bắc Giang

 

 

 


Ý kiến của bạn