Bất ổn các loại quỹ an sinh xã hội

23-08-2013 11:19 PM | Xã hội

Chuyện hạt thóc hay sào ruộng của nông dân phải cõng trên mình nhiều loại quỹ, quỹ do chính quyền địa phương đặt ra không còn là chuyện quá xa lạ. Vấn đề đã được chính các vị đại biểu Quốc hội lo ngại khi bàn thảo về Quỹ Phòng chống thiên tai.

Chuyện hạt thóc hay sào ruộng của nông dân phải cõng trên mình nhiều loại quỹ, quỹ do chính quyền địa phương đặt ra không còn là chuyện quá xa lạ. Vấn đề đã được chính các vị đại biểu Quốc hội lo ngại khi bàn thảo về Quỹ Phòng chống thiên tai. Thực tế từ lâu rồi, ở rất nhiều địa phương, những loại quỹ an sinh xã hội đã trở thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách phân bổ trên đầu người dân. Cùng với nông dân và người nghèo, đội ngũ người làm công ăn lương từ ngân sách địa phương chính là những người hiểu hơn ai hết “sức nặng” của những loại phí này. Hiện nay, ở địa phương chúng tôi, hàng năm, mỗi công chức, viên chức gần như bắt buộc tham gia 7 loại quỹ an sinh xã hội cơ bản gồm Quỹ Bảo trợ bà mẹ và trẻ em, Quỹ Bảo trợ Người cao tuổi, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Khuyến học, Quỹ Phòng chống lụt bão, Quỹ An ninh quốc phòng và Quỹ Vì người nghèo. Những loại quỹ này thu khoảng 1 ngày lương, trừ vào các kì lương tháng. Ngoài 7 loại quỹ “đến hẹn lại lên” này, mỗi năm còn nộp nhiều loại quỹ vận động ở phạm vi xã, huyện, ngành đoàn thể, nội bộ cơ quan như: quỹ xây dựng đường giao thông nông thôn, quỹ xây nhà văn hóa, hỗ trợ người nghèo ăn Tết, quỹ lao động công ích, bảo vệ môi trường, kiên cố hóa trường học... Tính ra 1 người phải nộp cả chục ngày lương/1 năm. Ai cũng biết đội ngũ công chức, viên chức là những người thu nhập còn thấp, sống dựa chủ yếu vào lương mà lương, theo một nghiên cứu gần đây, cho thấy mới đáp ứng được khoảng 60% cuộc sống. Thực sự mà nói, những loại quỹ an sinh xã hội đang chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập của họ. Với nhiều người băn khoăn, ấm ức khi bắt buộc phải nộp các loại quỹ này là điều không dễ bày tỏ. Tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đóng góp xây dựng cộng đồng cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân. Tuy nhiên, việc vận động người dân tham gia đóng góp các loại quỹ an sinh xã hội cũng cần được tính toán, cân nhắc phù hợp, tránh cho các loại quỹ này “nhảy múa” làm cho đời sống người dân khó khăn hơn, không tạo ra sự công bằng trong xã hội.   

Phạm Trường Giang (Bắc Giang)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH