Bất ngờ với sự 'sống lại' của mặt nạ giấy bồi đón Tết Trung thu

26-08-2022 07:44 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trải bao thăng trầm, có lúc tưởng như đã bị “xóa sổ”, thế nhưng những năm gần đây, xu thế hoài niệm đã giúp một số ngành nghề thủ công được hồi sinh, trong số đó có nghề làm mặt nạ giấy bồi - một vật phẩm mang cả hồn cốt của ngày Tết Trung thu truyền thống.

Mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi với hình dáng khác nhau đều ẩn chứa những ý nghĩa riêng biệt.

Theo chia sẻ của PGS.TS Trang Thanh Hiền - ĐH Mỹ thuật Hà Nội, thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho trẻ con. Nhưng thực chất các hình tượng trên chiếc mặt nạ mang lại những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Chẳng hạn như, hình dáng của mặt nạ Ông Địa và Thỏ Ngọc là tượng trưng cho sự to tròn, đầy đủ và sung túc của mùa màng bội thu và sự trong sáng của ánh trăng đêm rằm.

Ông Vũ Huy Đông (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) chia sẻ về nghề làm mặt nạ giấy bồi. Video: Tuấn Tuấn

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 2.

Tưởng chừng như đã bị lãng quên theo thời gian trước những mặt hàng ngoại nhập như đèn chạy pin nhấp nháy, mặt nạ cao su, súng phun nước…, những năm gần đây, các mặt hàng đồ chơi trung thu truyền thống đã tìm lại được vị thế của mình. Những chiếc trống, mặt nạ giấy bồi, đầu lân được sản xuất tại làng đồ chơi Ông Hảo (Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) dường như một lần nữa quay trở lại tháng ngày huy hoàng.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 3.

Trải bao thăng trầm, có lúc tưởng như đã bị “xóa sổ”, nhưng trong ký ức người dân làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi nhỏ xinh, chiếc trống ếch ngộ nghĩnh hay ông sư tử lung linh bảy sắc cầu vồng vẫn còn nguyên vẹn.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 4.

Theo ông Vũ Huy Đông (Liêu Xã, Yên Mỹ, Hưng Yên) - người đã gắn bó hơn 40 năm với nghề làm mặt nạ giấy bồi: "Đồ chơi truyền thống có lợi thế cạnh tranh khi được làm hoàn toàn thủ công nên chứa đựng sự tỉ mỉ của đôi tay con người, lại không cần đầu tư máy móc giúp giá thành rẻ hơn hẳn so với đồ chơi hiện đại. Tuy nhiên, hạn chế của đồ chơi truyền thống chính là sự nghèo nàn về hình thức".

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 5.

Để nâng cao sức cạnh tranh, ông Đông đã cách tân mẫu mã sản phẩm.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 6.

Trong khi mặt nạ truyền thống đã trở nên quen mắt với những mẫu Tôn Ngộ Không, Chú Tễu, Chí Phèo,... ông đã đưa vào mẫu mặt nạ 12 con giáp, đồng thời học hỏi các thiết kế mặt nạ mới được nhiều người ưa chuộng trên internet, qua đó vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa phục vụ đúng nhu cầu sở thích cá nhân của từng khách hàng.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 7.

Hiện nay, gia đình ông Đông phát triển rất đa dạng các loại hình mặt nạ. Từ những nguyên liệu, thậm chí là phế liệu bỏ đi như tre, nứa, bìa các tông cũng được các thợ thủ công khác "phù phép" để tạo ra những chiếc mặt nạ với nhiều hình dáng bắt mắt, đa dạng.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 8.

Để làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi, ông Đông phải tạo hình bằng xi măng, sau đó giấy được phết hồ rồi bồi vào để hình thành ra mặt nạ. Công đoạn này không quá khó nhưng không phải ai cũng làm được bởi nó đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, từng nét vẽ.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 9.

Trong các loại hình mặt nạ, công đoạn khó nhất là vẽ đầu lân, đầu sư tử, để cho ra được sản phẩm có thần thái, có được cái "hồn." Người vẽ phải nhấn vào các chi tiết râu, mắt… để trở thành những món đồ chơi không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 10.

Được biết, ở Liêu Xá ban đầu các cụ trong làng chỉ làm trống phách, đến khoảng những năm 1980 mới phát triển làm thêm cả mặt nạ giấy bồi và đầu lân. Làng gắn bó với nghề khoảng 40 năm, từng ấy thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để khôi phục một nghề truyền thống đầy tự hào của văn hóa Việt.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 11.

Với xu hướng lựa chọn những sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống thân thiện như đèn ông sao, trống, đắt hàng nhất là mặt nạ giấy bồi cho trẻ nhỏ, khiến cho gia đình ông Đông thêm quyết tâm để tiếp tục giữ lửa nghề, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

Mặt nạ giấy bồi gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc - Ảnh 12.

Giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của ngày Tết Trung thu trọn vẹn và đầy ý nghĩa với những chiếc mặt nạ giấy bồi đầy màu sắc bên cạnh những chiếc bánh trung thu chuẩn vị truyền thống,... cho ngày Trung thu trở nên ý nghĩa và đầm ấm.

Tuấn Anh
Ý kiến của bạn