Viêm đa xoang là hiện tượng nhiều xoang bị viêm nhiễm cùng một lúc. Thường bệnh sẽ gây ra viêm mũi và có thể cũng là hậu quả của bệnh viêm mũi lâu ngày không điều trị dứt điểm.
Biểu hiện viêm đa xoang
Giống như viêm xoang thông thường, bệnh viêm đa xoang cũng có những biểu hiện đau nhức vùng xoang bị viêm và có triệu chứng của bệnh viêm nhiễm, cảm cúm. Bên cạnh đó, viêm đa xoang còn có những biểu hiện và mức độ nặng hơn so với viêm một xoang đơn thuần.
– Người bệnh đau nhức nhiều vị trí trên mặt và đầu. Vì nhiều xoang bị viêm cùng một lúc nên các vị trí có xoang viêm đều có cảm giác đau nhức. Cơn đau có thể biểu hiện trên vùng má, trán, hai bên cánh mũi, sau gáy, đỉnh, chẩm đầu.
– Biểu hiện ho dài ngày có đờm. Những đợt ho kéo dài hoặc ho vào ban đêm do dịch mủ chảy từ các hốc xoang xuống họng. Người bệnh dễ mất ngủ vì triệu chứng này dẫn đến cáu gắt, cơ thể bị khó chịu.
– Xuất hiện tình trạng chảy dịch mũi, dịch họng. Dịch mũi do các xoang trước hình thành, dịch chảy xuống họng do các xoang sau gây ra. Dịch có thể chuyển thành dạng màu vàng đặc sệt, có mùi hôi nếu tình tạng bệnh không được cải thiện.
– Hơi thở có mùi hôi khó chịu, do dịch mủ và vùng viêm trong hốc xoang, cổ họng.
Những nguy cơ biến chứng của viêm đa xoang
Viêm đa xoang có thể gây những biến chứng từ nhẹ đến nặng. Tùy thuộc vào cơ địa, tuổi tác, thể trạng, vị trí và số lượng xoang bị viêm nhiễm. Đặc biệt, biến chứng viêm đa xoang có thể đe dọa đến sức khỏe của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm đa xoang
- Biến chứng ở mắt
Biến chứng ở mắt có nguy cơ rất cao khi bệnh viêm đa xoang không được điều trị triệt để. Bởi mắt nằm rất gần với các vị trí xoang trước mặt. Các xoang trán, xoang hàm, xoang sàng, xoang bướm khi bị viêm đều có khả năng gây biến chứng cho mắt. Các biến chứng thường gặp ở mắt là sưng hốc mắt, áp xe mi mắt, viêm sưng ổ mắt.
- Sưng hốc mắt có thể khiến dây thần kinh thị giác yếu đi, nhãn cầu bị ảnh hưởng, thị lực đột ngột giảm, nếu không can thiệp sớm có thể gây mù mắt về sau.
- Áp xe mi mắt: Mắt có biểu hiện sưng to, nóng đỏ, đau và kết mạc xung huyết. Túi mủ do áp xe mi mắt sẽ tự vỡ sau 4 - 5 ngày.
- Viêm sưng ổ mắt: Bệnh nhân viêm đa xoang biến chứng ở mắt thường có biểu hiện sốt và bị viêm tấy ổ mắt, nguy cơ tạo ra lỗ rò mạn tính về sau.
- Biến chứng ở tai
Viêm tai giữa là biến chứng phổ biến nhất ở tai do viêm đa xoang. Dịch mủ trong các hốc xoang bị viêm không được đẩy ra ngoài mà sẽ chảy xuống vòm họng và đọng lại ở vòi tai, gây viêm tai giữa. Đặc biệt ở trẻ nhỏ vòi tai ngắn, rộng, lại nằm ngang nên dịch mủ càng dễ dính vào hòm tai, nguy cơ viêm tai giữa xảy ra sẽ cao hơn. Viêm tai giữa có thể ở hai dạng là viêm tai giữa có mủ và viêm tai giữa ứ dịch. Tình trạng này nếu không được xử lý về lâu dài sẽ gây thủng màng nhĩ, điếc…
- Biến chứng đường hô hấp
Dịch mủ khi bị viêm đa xoang không được thoát ra ngoài mà chảy trực tiếp xuống họng gây đau họng, viêm họng, đờm đặc, khò khè, khan giọng… lâu dần sẽ gây viêm thanh quản, viêm phổi hoặc viêm amidan.
- Biến chứng ở não
- Viêm màng não: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng mà bệnh viêm đa xoang gây nên. Viêm màng não có thể tự xuất hiện hoặc sau phẫu thuật viêm xoang. Trong khi các dịch não tủy vẫn ở trạng thái bình thường thì màng nuôi bị dính lại và tạo thành một lớp bọc, bao chặt lấy dây thần kinh, gây ra tình trạng đau đầu, mờ mắt, ù tai… Tình trạng này nếu không được phát hiện sớm có thể gây tử vong cấp cho người bệnh.
- Áp xe não: Viêm đa xoang gây viêm dây thần kinh não, làm tổn thương màng não. Vỏ não khi tiếp xúc với vùng tổn thương màng não sẽ gây nên tình trạng viêm não, áp xe não. Trong đó, áp xe đại não là nguy hiểm nhất. Vì đây là trung tâm của não, nơi trực tiếp làm nhiệm vụ phân tích tín hiệu từ hệ thần kinh gửi về. Khi màng não bị tổn thương sẽ gây áp lực lên sọ não, khiến đầu óc bệnh nhân không được tỉnh táo, thường xuyên bị đau đầu.
Cần làm gì khi bị viêm đa xoang?
Khi có biểu hiện người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy từng người, mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng dị ứng, kháng viêm và thuốc giảm triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, người bệnh bổ sung nước và xịt mũi để làm loãng dịch nhầy, nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như thuốc lá, không khí lạnh, không khí ô nhiễm… Việc thông rửa xoang sẽ được bác sĩ tư vấn để loại bỏ mủ trong xoang.
Liệu pháp miễn dịch có thể được cân nhắc để giúp cho người bệnh cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng. Người bệnh cũng nên nghỉ ngơi tại nhà, chườm khăn ấm, thư giãn, rửa mũi bằng nước muối…
Nếu điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị được chỉ định. Cấu trúc mũi bất thường gây ra tình trạng tắc nghẽn như phì đại cuống mũi và vẹo vách ngăn sẽ được loại bỏ.