Bất ngờ về khảo sát thu phí vào nội đô Hà Nội

18-10-2022 15:33 | Thời sự

SKĐS - Theo kết quả khảo sát online và điều tra xã hội học của Hà Nội, 39,7% số người ủng hộ việc thu phí vào nội đô và mức phí được chấp nhận là 22,3 nghìn đồng/lượt.

Lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội liệu có giảm được ùn tắc?Lập gần 100 trạm thu phí vào nội đô Hà Nội liệu có giảm được ùn tắc?

SKĐS - Nhiều chuyên gia đánh giá đề án thu phí vào nội đô Hà Nội chưa thích hợp, ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở GTVT TP. Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".

Theo báo cáo của Tramoc, dựa trên kết quả sơ bộ từ 1.028 phiếu khảo sát online (tính đến ngày 10/10/2022) do đơn vị tư vấn thực hiện, có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ.

Tramoc cho biết, nếu đề án được HĐND thành phố thông qua và UBND thành phố trình báo cáo Quốc hội thì đến năm 2024 Hà Nội tiến hành thí điểm và chính thức áp dụng từ năm 2025 thì việc triển khai đề án phù hợp với quy định hiện hành.

Bất ngờ về khảo sát thu phí vào nội đô Hà Nội - Ảnh 2.

Theo đề án, Hà Nội dự kiến thu phí vào nội đô chia làm 3 giai đoạn và bắt đầu thí điểm năm 2024 (Sơ đồ 87 Trạm thu phí theo đề xuất lần đầu năm 2021 của Trung tâm Tư vấn Phát triển GTVT - Trường Đại học GTVT).

Phạm vi không gian thu phí là khu vực bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn thí điểm (từ nay đến năm 2025) sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí.

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030): Mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031): Mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.

Bất ngờ về khảo sát thu phí vào nội đô Hà Nội - Ảnh 3.

Mức thu phí vào nội đô tại đề án đưa ra tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.

Bà Trần Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc Tramoc cũng thông tin, kết quả điều tra xã hội học cho thấy, mức phí chấp nhận được của người dân là 22,3 nghìn đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ô tô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.

Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông. Việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.

Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hằng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội.

Bất ngờ về khảo sát thu phí vào nội đô Hà Nội - Ảnh 4.

Theo Sở GTVT TP. Hà Nội, xét trên khía cạnh lợi ích, tất cả chủ thể tham gia giao thông và toàn xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc tiết kiệm thời gian đi lại và vận chuyển hàng hóa nhờ giảm ùn tắc giao thông trong khu vực thu phí.

Tramoc cho hay sẽ tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành từ ngày 24/10 đến 15/11, sau đó hoàn thiện đề án báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét, quyết định vào ngày 15/12.

Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.

Năm 2017, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Xem thêm video được quan tâm:

Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu


Nhóm PV
Ý kiến của bạn