SKĐS - Chị N.T.H (41 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) rất ít khi đi khám định kỳ nhưng mới đây, kết quả khám khiến chị sững sờ vì mắc ung thư cổ tử cung mà không có dấu hiệu gì.
Khám sức khỏe định kỳ, theo các chuyên gia khuyến cáo, là việc làm vô cùng cần thiết đối với mỗi người nhằm phát hiện sớm các bệnh lý (nếu có), từ đó có hướng điều trị, can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi là sự chủ quan cho rằng những căn bệnh quái ác còn ở rất xa mình nên nhiều người chưa thực sự quan tâm đến vấn đề thăm khám sức khỏe thường xuyên. Song, bệnh tật lại thường diễn biến âm thầm và chẳng “chừa” một ai! Nhiều trường hợp đã phát hiện bệnh nặng sau khi thăm khám.
Cảm thấy sức khỏe bản thân hoàn toàn bình thường cộng thêm yếu tố công việc khá bận rộn, chị N.T.H (41 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) rất ít khi đi khám định kỳ. Chỉ tới thời điểm gần đây, khi Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ phối hợp với cơ quan chị tổ chức khám sức khỏe sinh sản miễn phí cho cán bộ nữ, chị mới tham gia và ngỡ ngàng nhận về bản bệnh án với kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
Kết quả khám lâm sàng tại buổi khám miễn phí cho thấy, chị H. có tình trạng viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung; các bác sĩ chỉ định cho chị thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinpap Test, phát hiện tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp.
Chị H. sau đó đã được khuyến cáo nên vào viện bấm mô cổ tử cung, kết quả giải phẫu bệnh phát hiện Carcinoma (ung thư cổ tử cung). Đồng thời, kết quả xét nghiệm HPV cũng cho thấy chị H. dương tính với 12 type HPV nguy cơ cao.
Tương tự như chị H., bà N.V.M (55 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) cũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ đối mặt với kết luận chẩn đoán tiền ung thư sau khi đi khám sức khỏe định kỳ. Bởi trước đây, bà không nhận thấy sức khỏe của bản thân có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ nào.
Tại buổi thăm khám, bà M. được lấy tế bào làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung và được chẩn đoán đang gặp phải tình trạng loạn sản cổ tử cung.
Sau đó, bà M. cũng được bấm mô cổ tử cung gửi xét nghiệm giải phẫu bệnh, kết quả cho thấy biểu mô vảy cổ tử cung quá sản, các tế bào biểu mô nhân to, kiềm tính, chất nhiễm sắc thô, hạt nhân rõ; tỉ lệ nhân/nguyên sinh chất cao, rải rác có nhân chia; các tế bào biểu mô sắp xếp lộn xộn chiếm hết chiều dày biểu mô. Các bác sĩ kết luận, bà M. bị tổn thương nội biểu mô cổ tử cung có thể tiến triển tới ung thư (tiền ung thư).
Cả hai trường hợp này sau đó đều đã được các bác sĩ trao đổi, tư vấn hướng xử trí phù hợp.
BSCKI. Phạm Thị Ánh Ngọc - Khoa Phụ ngoại, Phụ nội tiết, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh lý phụ khoa không phải là tình trạng hiếm gặp ở các chị em phụ nữ. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ chị em phụ nữ đang mắc phải các căn bệnh liên quan đến phụ khoa chiếm tới 90% và đây thực sự là một con số đáng báo động. Mặc dù một số bệnh lý phụ khoa không phức tạp có thể điều trị dứt điểm, song nếu thờ ơ, chủ quan có thể dẫn đến những hậu quả rất đáng tiếc.
Các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo, mỗi năm nữ giới cần khám định kỳ sức khỏe, khám phụ khoa từ 1- 2 lần nhằm phòng tránh các bệnh như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và các bệnh phụ khoa khác. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về bệnh ở nữ giới giúp cho việc bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản được tốt hơn.