Hà Nội

Bất ngờ lý do Steve Jobs không cho các con dùng iPad

24-09-2014 10:05 | Đời sống
google news

Họ đều là những nhà lãnh đạo nổi tiếng trong thế giới hi-tech. Nhưng, cũng chính họ lại hạn chế việc sử dụng sản phẩm công nghệ cao đối với các con của mình.

Steve Jobs - Ông bố "low-tech"

Vì sao có nghịch lý này? Nhà báo người Mỹ Nick Bilton, chuyên giữ mục công nghệ của tờ New York Times mới đây đã tiết lộ thông tin khiến các bậc phụ huynh phải giật mình.

Mẫu mã thay đổi liên tục, ngày càng bắt mắt với những tính năng hiện đại, chiếc máy tính bảng giờ không chỉ là phương tiện hỗ trợ làm việc, giải trí của người lớn mà còn là “người bạn thân thiết” của nhiều trẻ em trên thế giới. Thế nhưng, với Steve Jobs thì iPad không được chào đón trong nhà của ông. Trong bài viết Steve Jobs là một ông bố “nghèo nàn”về công nghệ, Nick Bilton nhắc lại chi tiết khiến anh không tin nổi, chính là điều mà Steve nói với Nick vào năm 2010. Lúc đó, Nick hỏi Steve Jobs: “Các con ông chắc hẳn yêu thích iPad lắm?” và Steve đáp: “Chúng không dùng đến nó. Tôi giới hạn thời gian cũng như danh mục thiết bị công nghệ được sử dụng ở nhà đối với các con. iPad là một trong những thiết bị tôi không cho con dùng khi ở nhà”.

1
Sinh thời, Steve Jobs không cho các con sử dụng iPad tại nhà. (Ảnh: Rolling Out)

Tác giả Walter Isaacson, người dành rất nhiều thời gian ở nhà Steve Jobs để viết quyển sách về cuộc đời ông cũng chia sẻ: “Mỗi giờ cơm chiều, Steve Jobs ngồi với con trên chiếc bàn ăn dài ở nhà bếp, cùng con thảo luận sôi nổi về những quyển sách, về lịch sử và hàng tỷ thứ khác. Không ai, kể cả ông ấy được dùng máy tính hay bất cứ thiết bị điện tử nào trong giờ ăn. Trẻ con nhà Steve có vẻ không nghiện những món ấy”.

Vì sao các ông bố "low-tech" không muốn con dùng thiết bị công nghệ?

Từ đó đến nay, Nick Bilton đã gặp gỡ rất nhiều “ông trùm” trong ngành công nghệ và anh phát hiện thực tế thú vị: phần lớn họ, giống như Steve Jobs, đều là những ông bố “keo kiệt” với các con trong chuyện sử dụng thiết bị công nghệ. Họ kiểm soát khắt khe thời gian các con tương tác với màn hình cảm ứng, nhất là trong giờ sinh hoạt gia đình và những ngày không phải cuối tuần. Điều này trái ngược với cách mà nhiều phụ huynh trên thế giới hiện nay đang làm, đó là cho con cầm máy tính bảng, điện thoại thông minh để chơi game bất cứ lúc nào, kể cả khi chúng trong nhà vệ sinh, trong bồn tắm, lúc ăn cơm.

Chris Anderson, cựu Tổng biên tập tạp chí Wired, hiện là giám đốc điều hành (CEO) công ty 3D Robotics chuyên chế tạo máy bay không người lái cho biết: “Các con từng nói tôi và vợ tôi độc đoán khi hạn chế chúng tương tác với thiết bị công nghệ trong khi bạn chúng không ai phải như thế. Tôi hiểu sự khó chịu của những đứa trẻ chỉ mới năm, sáu tuổi, thậm chí 17 tuổi. Nhưng tôi càng hiểu hơn tác hại của việc lạm dụng công nghệ. Tôi đã trải qua điều ấy và không muốn nó lặp lại với con mình”.

2

 

Giám đốc điều hành công ty chuyên chế tạo máy bay không người lái 3D Robotics, Chris Anderson, cũng hạn chế các con sử dụng thiết bị công nghệ cao. (Ảnh: sUAS News)

Tác hại mà Chris Anderson đề cập chính là việc trẻ con vô tình bắt gặp nội dung không phù hợp với chúng như bạo lực, khiêu dâm. Về lâu dài, chúng sẽ nghiện một thiết bị vô tri vô giác và tách mình khỏi giao tiếp cộng đồng. Kết quả khảo sát đối với 2.500 giáo viên Mỹ do tổ chức Pew thực hiện vừa công bố cho thấy, 87% giáo viên nhận xét, công nghệ đang tạo ra những lớp trẻ dễ bị phân tâm, khó tập trung chú ý lâu.

Nhưng, cũng có một số phụ huynh là lãnh đạo cấp cao trong ngành công nghệ nói rằng, nếu không cho trẻ con tiếp xúc với các thiết bị trên, liệu có thiệt thòi cho chúng hay không. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ dưới mười tuổi rất dễ nghiện các thiết bị công nghệ, vì vậy rất cần quản lý trẻ chặt chẽ về việc này. Bên cạnh đó, trẻ trên mười tuổi nên được hướng dẫn, khuyến khích cách sử dụng các thiết bị này hiệu quả, phục vụ cho việc nâng cao kiến thức và kỹ năng.

 

 


Ý kiến của bạn