Qua thăm khám, bà T. có triệu chứng co giật, nửa người liệt. Khai thác bệnh sử cho thấy, buổi sáng cùng ngày, người bệnh ra vườn hái rau bị ong đốt.
Thầy thuốc của Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã hội chẩn và nhận thấy trường hợp đột quỵ do ong đốt trên thế giới là rất hiếm.
Nhận định ban đầu đây là phản ứng qua trung gian miễn dịch của hệ thống đối với vết ong đốt gây ra co mạch và trạng thái tạo huyết khối kèm theo thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ. Người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI), dựng hình TOF 3D – dựng hình mạch não không xâm lấn, không thuốc cản quang.
Kết quả, người bệnh có xung khuếch tán Diffusion, nhồi máu cầu não phải, không tắc mạch lớn.
Ngay lập tức, người bệnh được điều trị nội khoa tích cực. Hiện, sau 4 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh hồi phục, tiếp tục được chỉ định tập phục hồi chức năng tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ.
Người nhà bệnh nhân H.T.T phấn khởi nói: "Tôi thấy bác sĩ, điều dưỡng ở đây rất tận tình, trình độ chuyên môn cao.
Chị tôi ở nhà bị ong đốt, sau đó xuất hiện triệu chứng méo miệng, liệt nửa người; sau 4 ngày điều trị, chị tôi đã hết méo miệng, bắt đầu cử động được tay, chân. Tôi cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng nhiều lắm".
Theo ThS.BS Phan Ngọc Nhu - Phó Trưởng Đơn vị Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ, nhồi máu não do ong đốt là một biến chứng hiếm gặp trên thế giới.
Khi bị ong đốt, chúng ta cần theo dõi sức khỏe thường xuyên; nếu thấy biểu hiện yếu tay chân, cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên ngành về đột quỵ để được thăm khám và điều trị kịp thời.