Bất ngờ 7 loại thực phẩm khiến cơ thể mất nước

24-09-2024 09:35 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể mất nước nhưng có một yếu tố không ngờ là một số thực phẩm có thể gây mất nước.

1. Một số thực phẩm khiến cơ thể mất nước

Nước vô cùng cần thiết cho hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận. Hằng ngày, cơ thể bị mất nước thông qua các hoạt động như vận động, đổ mồ hôi, đi tiểu... Lượng nước mất đi cần được bổ sung bằng cách cung cấp các chất lỏng và thực phẩm chứa nhiều nước khác.

Nguy cơ mất nước tăng cao nếu bạn đổ mồ hôi quá nhiều, uống không đủ nước, bị tiêu chảy, nôn mửa và một số tình trạng bệnh lý nhất định. Đồng thời, khi ăn uống một số loại thực phẩm và đồ uống có chứa nhiều muối, đường, caffeine cao có thể góp phần gây mất nước bao gồm:

Thức ăn nhanh

Thức ăn nhanh như khoai tây chiên, pizza, bánh mì kẹp và gà rán có hàm lượng muối rất cao, có thể khiến cơ thể mất nước nếu tiêu thụ với số lượng lớn.

Nguyên nhân là do lượng natri cao từ thực phẩm mặn khiến thận phải tăng lượng nước tiểu để giữ mức natri trong máu ở mức bình thường.

Bất ngờ 7 loại thực phẩm khiến cơ thể mất nước- Ảnh 1.

Thức ăn nhanh chứa nhiều muối khiến cơ thể mất nước.

Rượu bia

Lý do uống rượu làm cơ thể mất nước là vì các chất chuyển hóa từ rượu làm tăng nhu cầu đào thải qua thận, hoặc như bia có tỷ lệ nước nhiều, sẽ dẫn đến tăng lượng nước tiểu.

Việc tăng sản xuất nước tiểu, đổ mồ hôi, nôn mửa và tiêu chảy do uống rượu khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Tình trạng mất nước càng nặng thì các biểu hiện nôn nao do rượu càng trở nên trầm trọng.

Rượu cũng có thể góp phần gây mất nước bằng cách ảnh hưởng đến sự tỉnh táo và phán đoán, khiến chúng ta ít nhận thức được nhiệt độ cơ thể của mình. Khi cơ thể bị mất nước, nó bắt đầu mất khả năng đổ mồ hôi và tự làm mát. Khi không nhận thức được nhiệt độ cơ thể đang tăng, bạn có thể bị mất nước mà không nhận ra.

Đồ uống có đường

Mặc dù đường thường không được coi là tác nhân gây mất nước nhưng nghiên cứu cho thấy nhiều người tiêu thụ đồ uống có đường thay cho nước có thể dẫn đến tình trạng mất nước.

Đồ uống có đường cũng có thể dẫn đến mất chất lỏng trong ruột và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thận. Thận rất cần duy trì độ ẩm vì chúng kiểm soát lượng nước tiểu. Các nghiên cứu cho thấy, việc bù nước bằng soda sau khi tập thể dục cường độ cao trong thời tiết nóng có thể gây ra tổn thương thận cấp tính.

Cà phê có hàm lượng caffeine cao

Cà phê thông thường và các loại đồ uống có chứa caffeine khác như trà ít có khả năng gây mất nước. Tuy nhiên, đồ uống có hàm lượng caffein cao như cà phê đậm đặc có thể dẫn đến mất nước vì caffeine là một chất lợi tiểu. Nó làm tăng sản xuất nước tiểu khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn. Những người có bàng quang hoạt động quá mức dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng lợi tiểu của caffeine.

Nước uống tăng lực

Nhiều loại nước uống tăng lực có hàm lượng caffeine rất cao, gây tăng lượng nước tiểu khi tiêu thụ quá mức. Nước tăng lực cũng thường chứa nhiều đường bổ sung góp phần gây mất nước.

Thịt chế biến

Thịt chế biến như thịt nguội, thịt xông khói, giăm bông, xúc xích và lạp xưởng thường có hàm lượng muối rất cao. Điều này là do muối được sử dụng để bảo quản và tạo hương vị cho thịt chế biến. Khi ăn quá nhiều sẽ dẫn đến lượng muối nạp vào cơ thể cao gây tình trạng mất nước.

Các loại nước sốt

Các loại gia vị như nước sốt trộn salad, tương cà và nước tương chế biến sẵn là những nguồn thực phẩm tiềm ẩn khiến cơ thể mất nước vì bản chất thành phần của chúng chứa rất nhiều muối và đường bổ sung. Do đó, để kiểm soát nguồn đường, muối tiềm ẩn này, chúng ta nên hạn chế dùng các loại gia vị, nước sốt chế biến sẵn, nên tự nấu ăn tại nhà giúp đong đếm chính xác lượng muối nên dùng để tốt cho sức khỏe và phòng ngừa nguy cơ mất nước.

Bất ngờ 7 loại thực phẩm khiến cơ thể mất nước- Ảnh 3.

Nước sốt chế biến sẵn là nguồn thực phẩm tiềm ẩn khiến cơ thể mất nước.

2. Cách ăn uống giữ đủ nước cho cơ thể

Ngoài việc hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường, rượu bia và đồ uống có hàm lượng caffeine cao thì uống nhiều nước là cách tốt nhất để duy trì đủ nước cho cơ thể.

Theo khuyến cáo chung, đối với một người khỏe mạnh bình thường nên uống khoảng 8 ly nước, tương đương 2 lít nước mỗi ngày. Đây là tổng lượng chất lỏng cần cung cấp cho cơ thể, bao gồm nước lọc và các loại đồ uống cùng thực phẩm chứa nhiều nước khác.

Trong trường hợp tập thể dục ra nhiều mồ hôi, làm việc ngoài trời nắng nóng… cần uống nhiều nước hơn. Đặc biệt khi bị sốt, tiêu chảy hay nôn mửa chúng ta cần phải uống nhiều nước hơn hoặc bổ sung dung dịch bù nước và điện giải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo BSCKI. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga, nên uống nước lọc, tốt hơn nước có khoáng nhẹ, uống nước ép, trái cây hay rau củ quả.

Không nên uống nước ngọt, nước có gas vì nó chứa các thành phần không tốt cho sức khỏe. Càng không nên dùng đồ uống có cồn hay đồ uống chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực vì nó làm tăng bài tiết nước tiểu khiến chúng ta cảm thấy khát hơn.

Một trong những cách hiệu quả để duy trì đủ nước và nâng cao sức khỏe là kết hợp uống chất lỏng (nước lọc, nước ép rau quả) là ăn các loại trái cây và rau quả có hàm lượng nước cao.

Ăn trực tiếp một số loại trái cây và rau quả tươi không chỉ giúp bổ sung nước cho cơ thể mà trái cây và rau quả còn là nguồn thực phẩm lành mạnh chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Những chất dinh dưỡng này có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh mạn tính như đái đáo đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Những loại trái cây và rau quả giàu nước tốt nhất bao gồm: cà chua, dưa chuột, cần tây, rau bina, dưa vàng, dưa lê, dưa hấu, dừa tươi, trái cây họ cam quýt…

Cách uống nước đúng, có lợi cho sức khỏe nhấtCách uống nước đúng, có lợi cho sức khỏe nhất

SKĐS - Cung cấp đủ nước cho cơ thể là vô cùng quan trọng nhưng rất nhiều người chỉ uống nước khi thực sự cảm thấy khát. Vậy khi nào nên uống nước và cách uống như thế nào để có lợi nhất cho sức khỏe?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ai không nên uống nước mát giải nhiệt?



Thu Phương
Ý kiến của bạn