Bắt mạch dự án ma và điều cần biết khi mua bất động sản

28-07-2019 07:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian qua, tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất quy hoạch trả góp rồi tạo các giấy tờ pháp lý, biên lai giả, san lấp, làm đường... và rao bán thông qua hợp đồng hợp tác.

Đó là cách thức của các công ty làm dự án “ma”. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt là khu vực phía Nam đã xảy ra rất nhiều hiện tượng người dân mua phải dự án “ma”. Hệ quả là người mua mất rất nhiều tiền, trong khi không có dự án thực tế, cuối cùng không ít người đã phải tiền mất, đất không có.

Thông thường, dự án “ma” là những dự án không có điện - đường - trường - trạm, không có hạ tầng cơ bản. Bên cạnh đó, còn có những dự án “ma”, chỉ bằng quan sát thông thường thì rất giống với một dự án thật, cũng có đường, có hệ thống thoát nước, được phân lô cụ thể, nhưng thực chất lại là do tự ý làm, tự ý xây dựng mà không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, khi hỏi thông tin pháp lý dự án, các chủ đầu tư lại không cung cấp được hồ sơ pháp lý dự án: Chưa được Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng...

Đã có không ít chủ đầu tư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi, lừa đảo thông qua những cái tên: “Hợp đồng góp vốn” hay “Thỏa thuận đặt cọc”. Đa số những hợp đồng mang tên “Hợp đồng góp vốn”, “Phiếu đăng ký giữ chỗ”, “Thỏa thuận đặt cọc đăng ký chỗ” đều là đội lốt dự án “ma”. Biểu hiện của nó là mời chào khách hàng đến nhưng không nhằm mua bán đất, không nhằm mua bán nhà mà là mời chào làm ăn chung, đặt chỗ mua trước... rồi khách hàng nộp tiền và sau đó chiếm dụng số tiền này.

Hơn nữa, khi người dân muốn đến khảo sát thực tế dự án, họ mời chào một dự án rất đẹp, sự hứa hẹn những triển vọng tươi sáng của khu dân cư mới. Tuy nhiên, trên thực tế lại là những dự án ảo.

Điển hình tại TP.HCM, trong vài tháng hàng loạt dự án “ma” xuất hiện trên địa bàn quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12. Riêng địa bàn quận Bình Tân có 9 khu đất qua thông tin quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 6 phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A. Nhiều trường hợp san lấp, phân lô, bán nền trái phép, chuyển nhượng đất không đúng quy định của UBND TP.HCM.

Gần đây là dự án Hòa Lạc Lake View tại xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội. Dự án được rao bán nằm trên mặt hồ, sổ đỏ trao tay tại xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội. Tuy nhiên, trên thực tế người dân địa phương đều xác nhận dự án không hề tồn tại trên địa bàn huyện Thạch Thất. Được biết, sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, chính quyền địa phương tại các địa phương trên đã yêu cầu công an vào cuộc để làm rõ sự việc, tuy nhiên dự án vẫn được tư vấn giá bán và mời chào nhiệt tình.

Đứng trước những nguy cơ, những tiềm ẩn đầy rủi ro khi giao dịch bất động sản, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh bị kẻ xấu “lừa đảo, trục lợi”, khách hàng cần lưu ý những vấn đề sau trước khi ký kết giao dịch bất động sản:

Thứ nhất, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý dự án. Theo đó, khách hàng phải kiểm tra xem dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không; kiểm tra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; Kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa. Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chứng thư cần thiết như: bảo lãnh tài chính của ngân hàng thương mại để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.

Thứ hai, cần khảo sát thực tế dự án bằng cách đến địa chỉ nơi có dự án và xem xét dự án đã có cơ sở hạ tầng hay chưa, mức độ hoàn thành đến đâu, bởi theo quy định của pháp luật, dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng mới được phép bán. Khách hàng cũng nên lưu ý và cảnh giác khi địa chỉ dự án không rõ ràng, minh bạch.

Thứ ba, khách hàng nên lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, đồng thời nên có sự tham vấn của luật sư, của những người am hiểu pháp luật để đánh giá những rủi ro khi tham gia giao dịch và nhận được lời khuyên từ các chuyên gia.

Đối với những khách hàng lỡ mua phải dự án “ma” thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động lừa đảo này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.


TRUNG HIẾU
Ý kiến của bạn