Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 vừa qua, tại khu vực tòa nhà Keangnam, tòa nhà cao nhất và hiện đại bậc nhất Thủ đô, đây cũng là khu đô thị với kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước hoàn toàn được đầu tư mới, nhưng chỉ sau mấy tiếng mưa lớn đã biến nơi đây thành một ốc đảo giữa thủ đô. Những người phải đi qua khu vực này đã gặp khó khăn khi di chuyển, thậm chí các cư dân sống tại đây gặp cảnh dở khóc, dở cười khi phải “án binh bất động” vì mưa lũ. Cảnh xe chết máy nằm chờ nước rút là hình ảnh rất dễ gặp tại nơi đây. Còn người dân đã quá ngán ngẩm mỗi khi qua đây nhưng không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận và tiếp tục chờ đợi nước rút.
Không chỉ ở khu vực Keangnam, đường vành đai 3, việc di chuyển trên đường phố Hà Nội vào những ngày này với nhiều người dân thực sự là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm khi họ có thể đi nhầm xuống hồ, xuống hố thoát nước, đi nhầm lên vỉa hè... Với nhiều cư dân Thủ đô thì mỗi khi mùa mưa đến, cuộc sống của họ cũng bị đảo lộn theo. “Sống chung với lũ” là cụm từ được dùng cho đồng bào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì nay đã lại trở thành câu cửa miệng với người dân Hà Nội. Đâu là nguyên nhân khiến năng lực thoát nước của Hà Nội yếu kém đến vậy? Liệu có phải chỉ do hệ thống thoát nước từ thời Pháp để lại đã quá lạc hậu, không đáp ứng được mức tiêu thoát nước cho TP với số dân đã phát triển lên 7 triệu người hay còn do sự yếu kém trong công tác quy hoạch, phát triển các khu đô thị mới không đồng bộ với hệ thống thoát nước đã dẫn đến tình trạng ngập lụt triền miên mỗi mùa mưa bão? Bởi vì ngay cả những dự án, những khu xây dựng, khu đô thị với kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước hoàn toàn được đầu tư mới cũng bị ngập, thậm chí còn ngập nặng hơn những khu bị ngập cũ.
Trong mùa mưa năm nay, Hà Nội phát sinh thêm 22 điểm ngập úng, cũng đồng nghĩa người dân Thủ đô đang càng ngày càng phải chịu đựng cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa bão đến. Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa qua, thành phố đã thông qua Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030 với tổng kinh phí đầu tư lên tới 117.000 tỷ đồng. Người dân đang mong chờ bản quy hoạch này sẽ cải thiện được tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra trong quãng thời gian vừa qua để Hà Nội thực sự là Hà Nội chứ không phải là “Hà Lội” như cách nói hài hước của nhiều người dân.
Huyền Minh