Bất lực nhìn hàng quán “bủa vây” Bệnh viện Nhi Hải Dương

04-11-2019 07:33 | Xã hội

SKĐS - Hàng chục lều lán kinh doanh buôn bán, từ hàng ăn, trái cây đến vật dụng phục vụ cho người bệnh... vô cùng nhốn nháo, gần như lấn chiếm toàn bộ vỉa hè trước cổng Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Thực trạng trên đã diễn ra vài năm nay. Mặc dù các cơ quan chức năng nhiều lần ra quân xử lý, nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn như kiểu bắt cóc bỏ đĩa.

Biển tên bệnh viện cũng bị che lấp

Theo khảo sát của chúng tôi, hàng chục quán xá hầu hết là lều lán tạm bợ, nhếch nhác bao vây cổng bệnh viện, tràn ra cả lòng lề đường nhưng không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng đâu. Đó là một đoạn đường đôi nối từ Đường 62m vào Dự án Khu đô thị phía Nam TP. Hải Dương (thuộc địa bàn xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc). Trao đổi với ông Nguyễn Đình Thạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết, bệnh viện hoàn toàn bất lực trước việc hàng quán ngang nhiên lấn chiếm lòng hè đường, che lấp cả biển tên của bệnh viện. Bệnh viện đã nhiều lần nhắc nhở các hộ kinh doanh di dời chỗ khác nhưng không được sự đồng thuận của các hộ kinh doanh này. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã có văn bản báo cáo UBND huyện Gia Lộc và chính quyền xã Liên Hồng nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm, bởi đất đó là đất ngoài sự quản lý của bệnh viện nên chúng tôi không thể làm gì được - ông Thạnh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thúy Nga - người nhà bệnh nhân bức xúc cho rằng, không thể để một cơ sở y tế mà tình trạng diễn ra như vậy, đến biển tên của bệnh viện mà các hộ kinh doanh ở đây còn che mất, thể hiện sự coi thường pháp luật và sự bất lực của bệnh viện trước thực trạng trên. Thường thì bị chiếm dụng làm hàng quán, ban đầu là tạm, sau cố định rồi bám trụ lâu dài. Khi đã ăn sâu bám rễ thì việc di dời rất khó. Bài học ở khu vực cổng BVĐK tỉnh Hải Dương là một ví dụ. Hàng quán “nhảy dù” hàng vài chục năm, cho đến vừa rồi mới xử lý được, mặc dù chưa thực sự triệt để. Không thể để tỉnh Hải Dương vừa được công nhận là Đô thị loại I lại để tình trạng nhếch nhác như vậy - bà Nga bức xúc.

Ông Thạnh cho biết thêm, dù đã có lần cơ quan chức năng ra quân xử lý nhưng khi vắng bóng lực lượng này, hàng quán lại bày biện. Có trường hợp còn đối phó bằng cách cho người canh, cứ có lực lượng chức năng thì sẽ đánh động để thu gom bàn ghế bỏ chạy. Khu vực này cũng là điểm đón trả khách của taxi ngang nhiên gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông - ông Thạnh cho biết.

Hàng chục hàng quán, lều, lán bủa vây cổng Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Hàng chục hàng quán, lều, lán bủa vây cổng Bệnh viện Nhi Hải Dương.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Ông Vũ Vinh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho biết, về việc lấn chiếm cổng Bệnh viện Nhi Hải Dương, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, nhiều lần mở đợt cao điểm lập trật tự với sự phối hợp của lực lượng liên ngành công an, trật tự đô thị, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xử phạt hành chính và thu giữ nhiều vật dụng, biển hiệu, bàn ghế dùng để buôn bán... Tuy nhiên, sau khi hết đợt cao điểm, vắng mặt lực lượng chức năng thì ngay lập tức đội quân buôn bán hàng rong lại tái xuất hiện và lực lượng trật tự của xã mỏng nên không thể kiểm soát hết, chỉ triển khai theo từng đợt - ông Tuấn chia sẻ.

Đồng tình với thực trạng này, về phía lực lượng công an, Trung tá Bùi Quang Huy - Phó trưởng Công an huyện Gia Lộc thông tin, chúng tôi cũng đã nắm bắt được tình hình, ở đây tồn tại nhiều hộ gia đình ăn ở sinh hoạt luôn tại các lều quán, đa số là người dân khu vực gần bệnh viện, một số hộ di chuyển từ địa phương khác. Chúng tôi cũng đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự nhưng khi rút quân thì đâu lại vào đấy- ông Huy cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và bệnh viện. Khi đã trả lại mặt bằng sạch rồi thì phải làm sao để giữ không bị tái lấn chiếm. Đây cũng là việc rất khó, bởi đất phía bên ngoài cổng bệnh viện lại không do bệnh viện quản lý, vì vậy, bảo vệ của bệnh viện ra đề nghị di dời còn bị các hộ kinh doanh dọa đánh.

Về giải pháp để chấm dứt tình trạng nhếch nhác lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán, ông Nguyễn Đình Thạnh - Phó Giám đốc BV Nhi Hải Dương cho rằng, đây là việc làm khó nhưng không phải không làm được. Chúng tôi đang tập trung làm tốt các dịch vụ bổ trợ bệnh nhân và người nhà phía trong khuôn viên bệnh viện. Bằng hệ thống căn-tin, khu dinh dưỡng cho bệnh nhân, các dịch vụ phục vụ người nhà bệnh nhân với giá cả cạnh tranh hợp lý, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... với phương thức tiện lợi, giá dịch vụ thấp hơn bên ngoài, đảm bảo phục vụ nhu cầu của người nhà và bệnh nhân, giúp họ bớt ra ngoài.

Có thể nói, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế giữa Bộ Công an và Bộ Y tế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực. Những kết quả này không chỉ góp phần đảm bảo, ổn định an ninh trật tự y tế mà đã có đóng góp không nhỏ vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đối với tuyến Trung ương thì Quy chế trên đã đạt được những hiệu quả nhất định, đáng ghi nhận. Nhưng ở địa phương, thực trạng trên vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, phối hợp tuyên truyền vận động cho người dân thấy sai và tự tháo dỡ hoặc kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ mới hy vọng trả lại sự thông thoáng cho Bệnh viện Nhi Hải Dương.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn