Bất lợi thường gặp của thuốc trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

31-03-2021 10:35 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thời tiết giao mùa khiến người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khó chịu, mệt mỏi, thậm chí bệnh có thể trở nặng lên. Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc chữa bệnh, người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình và phát hiện các tác dụng phụ có thể xảy ra và ứng phó phù hợp với các bất lợi này.

Thuốc giãn phế quản

Là nhóm thuốc trung tâm của điều trị COPD, thuốc làm thay đổi trương lực cơ trơn phế quản nên làm tăng khẩu kính đường thở giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn. Thuốc giãn phế quản được ưu tiên sử dụng dạng phun hít và khí dung do liều lượng thấp hơn nhiều so với liều toàn thân. Thuốc giãn phế quản bao gồm thuốc cắt cơn và thuốc duy trì. Các nhóm thuốc giãn phế quản chính:

Thuốc cường beta-2: Gồm thuốc tác dụng ngắn (salbutamol, terbutaline) với vai trò cắt cơn và dạng tác dụng kéo dài (salmetarol, formoterol, indacaterol) dùng duy trì. Dạng tác dụng kéo dài là dạng phổ biến trong điều trị COPD.

Tác dụng phụ của thuốc cường beta-2 người bệnh than phiền nhiều là run tay và nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực. Run tay đa số là lành tính và mức độ nhẹ, khi dừng thuốc sẽ hết. Nhịp tim nhanh xuất hiện với mức độ khác nhau và phụ thuộc từng người bệnh. Các tác dụng phụ khác có thể có: bứt rứt, mất ngủ, buồn nôn, suy nhược, chóng mặt... Đa số các biểu hiện này chỉ thoáng qua và ít khi người bệnh phải ngừng điều trị vì các tác dụng phụ này.

Cần thận trọng khi sử dụng thuốc này ở bệnh nhân cường giáp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, đặc biệt là rối loạn nhịp nhanh, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết các bệnh đồng mắc để bác sĩ chọn lựa thuốc hợp lý và có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa bổ sung thuốc để làm giảm tác dụng phụ khi việc sử dụng thuốc là cần thiết.

Nhóm kháng cholinergic: Nhóm này cũng có 2 dạng là tác dụng ngắn (ipratropium) và dạng tác dụng kéo dài (tiotropium).  Tác dụng phụ hay gặp giống như nhóm thuốc cường beta-2: run tay, nhịp tim nhanh. Cũng giống như nhóm cường beta-2 các tác dụng này cũng thường nhẹ.

Ngoài ra, tác dụng phụ có thể gặp khi dùng nhóm thuốc này: Ở mắt như giãn đồng tử, tăng áp lực nội nhãn, glocom góc hẹp, đau mắt. Nếu người bệnh gặp các tác dụng phụ này thì cần khám ngay bác sĩ chuyên khoa mắt để xử trí kịp thời. Ở đường tiêu hóa, thuốc có thể gây khô miệng, buồn nôn, nôn, táo bón... Để khắc phục, người bệnh có thể ngậm thêm nước khi khô miệng, chỉnh chế độ ăn hợp lý và bác sĩ có thể sử dụng thuốc hỗ trợ. Trên đường tiết niệu, thuốc có thể gây bí tiểu nên thận trọng ở bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiểu như phì đại tiền liệt tuyến có thể gây bí tiểu cấp.

Hai nhóm thuốc giãn phế quản trên dùng đường toàn thân tác dụng phụ nhiều hơn. Các thuốc giãn phế quản đường phun hít với liều lượng thấp hơn, các tác dụng phụ giảm đi và có thể chấp nhận được. Dạng phun hít tác dụng kéo dài được ưa dùng hơn do hiệu quả cao hơn và mang lại sự thoải mái cho người bệnh. Dạng thuốc kết hợp 2 nhóm giãn phế quản trên làm gia tăng hiệu quả điều trị và giảm tỷ lệ tác dụng phụ khi sử dụng đơn thuần một thuốc giãn phế quản.

Ngoài ra, nhóm thuốc giãn phế quản khác nhưng ít sử dụng là nhóm xanthin, bao gồm chủ yếu dạng thuốc uống (theophylin) và dạng tiêm truyền tĩnh mạch (diaphylin). Tác dụng phụ của nhóm này: buồn nôn, đau thượng vị, tiêu chảy, run, nhịp tim nhanh... Do liều điều trị và liều độc gần nhau nên ít dùng đơn thuần mà phối hợp với các thuốc nhóm giãn phế quản khác, người bệnh tuyệt đối không tự sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, rất nguy hiểm.

Thuốc giãn phế quản đường phun hít được lựa chọn nhiều trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Thuốc giãn phế quản đường phun hít được lựa chọn nhiều trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nhóm thuốc corticoid

Nhóm này bao gồm dạng tiêm, uống và phun hít. Dùng corticoid đường toàn thân chỉ nên dùng ngắn hạn trong đợt cấp giúp cải thiện nhanh rõ rệt chức năng hô hấp. Dùng corticoid kéo dài gây ra nhiều tác dụng phụ trên tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, thậm chí xuất huyết tiêu hóa...; đối với hệ thần kinh: hoang tưởng, trầm cảm...; tăng nguy cơ nhiễm trùng; trên da: da mỏng, rạn da, lông rậm, mụn trứng cá; đối với xương: loãng xương; ở mắt: Đục thủy tinh thể; tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa...

Để làm giảm tác dụng phụ của corticoid, cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để dùng, dùng corticoid dạng phun hít kết hợp thuốc cường beta-2 tác dụng kéo dài giúp tăng hiệu quả và làm giảm liều lượng của thuốc, do đó giảm tác dụng phụ. Trong quá trình điều trị bác sĩ chỉnh liều thuốc, tầm soát các tác dụng phụ và bổ sung các thuốc và tư vấn chế độ ăn uống tập luyện để kiểm soát tối đa tác dụng phụ. Việc tuân thủ điều trị tốt sẽ giúp làm chậm quá trình diễn biến tự nhiên của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.


ThS.BS. Đào Thị Huế
Ý kiến của bạn