Trần Văn Tiến (Sóc Sơn - Hà Nội)
Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng phòng và điều trị bệnh thuốc có thể gây ra những bất lợi không mong muốn cho người sử dụng.
Đối với thuốc amlodipin mà bạn đã dùng thì phù cổ chân là bất lợi thường gặp nhất. Phù có thể từ nhẹ đến trung bình, và điều này thường liên quan đến liều dùng. Nếu dùng liều cao thì tỷ lệ gặp bất lợi của thuốc càng tăng. Tuy nhiên không chỉ phù cổ chân, amlodipin còn có thể gây nhiều bất lợi khác như: Nhức đầu, chóng mặt, đỏ bừng mặt và có cảm giác nóng, mệt mỏi, suy nhược; đánh trống ngực; chuột rút; khó thở; buồn nôn, đau bụng, khó tiêu... thậm chí là hạ huyết áp quá mức... Các tác dụng phụ này có thể thoảng qua và không cần phải ngừng thuốc, nhưng cũng có thể làm người bệnh khó chịu hoặc gây hại cần phải ngừng dùng thuốc và thay thế thuốc khác hoặc phải điều trị các bất lợi này.
Có nhiều yếu tố gây ra phản ứng có hại của thuốc như: Cơ địa của người sử dụng thuốc, các dạng thuốc khác nhau, thuốc không tinh khiết, tương tác giữa các nhóm thuốc với nhau...
Đối với người bệnh: Trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người có các bệnh lý mắc kèm, tiền sử dị ứng thuốc, thiếu một số enzym chuyển hóa... là những đối tượng có nguy cơ cao gặp bất lợi do thuốc.
Đối với thuốc: Có thể do đặc tính lý hóa và dược động học của thuốc; công thức bào chế, thành phần tá dược; liều dùng thuốc, đường dùng và thời gian dùng.
Ngoài ra phản ứng có hại của thuốc còn xảy ra khi dùng nhiều thuốc cùng lúc, gây tương tác bất lợi...
Như vậy, tác dụng phụ của thuốc sẽ không giống nhau ở mỗi người, có nghĩa là một loại thuốc nào đó có thể tác dụng phụ đối với người này nhưng với người kia thì không. Điều quan trọng là trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để theo dõi quá trình tiến triển của bệnh cũng như theo dõi các phản ứng bất lợi của thuốc có thể xảy ra để thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.