Bất hợp lý trong sử dụng bằng cấp

30-03-2013 01:28 | Xã hội
google news

Hiện nay, việc công nhận bằng cấp, trình độ ở nước ta có những điều bất hợp lý.

Hiện nay, việc công nhận bằng cấp, trình độ ở nước ta có những điều bất hợp lý. Ví dụ, một người tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội với môn học, kiến thức tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị tuy nhiên không được coi là đã có trình độ trung cấp lý luận chính trị, có thì phải đi học trung cấp lý luận chính trị, nghĩa là phải học mất một thời gian hơn 1 năm mới có bằng này.

Còn một người tốt nghiệp đại học ngành chính trị học thì đương nhiên được công nhận đã có trình độ cử nhân lý luận chính trị. Những người này được lợi đôi đường khi vừa được xem đã có tốt nghiệp trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ để làm việc lại vừa được công nhận luôn trình độ cử nhân lý luận chính trị mà không phải học qua lớp cử nhân lý luận chính trị. Trong khi đó, nhiều người tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội rất gần với ngành chính trị học với nhiều môn học gần giống như nhau, thời gian học gần như nhau nhưng vẫn không được công nhận đã có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Đây là điều bất hợp lý, vì suy cho cùng thì những người tốt nghiệp đại học chính trị thực ra mới chỉ được đào tạo về nghiệp vụ, chuyên môn - ngành nghề chính; còn những người được đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn khác như lịch sử, triết học, luật, văn học, báo chí... với chương trình học có nhiều môn học gần giống nhau lại không được công nhận về trình độ lý luận chính trị dù chỉ là trung cấp. Trước đây, Ban Bí thư Trung ương có văn bản hướng dẫn về xác nhận trình độ lý luận chính trị, theo đó coi những người học đại học chính quy chuyên ngành khoa học xã hội tương đương trình độ trung cấp chính trị, nhưng coi như bỏ xó, không được áp dụng trong thực tế.

Nhiều cán bộ, công chức có bằng đại học khoa học xã hội phải đi học trung cấp lý luận chính trị. Nghịch lý ở chỗ họ phải học lại những môn học, kiến thức mình đã học tại trường đại học. Qua trao đổi được biết, nhiều người tỏ ra rất bức xúc vì phải đi học lại kiểu này. Điều này vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của chính người học, vừa tốn kém tiền của Nhà nước bỏ ra trả lương phục vụ việc học lại này vì người dân thì không bao giờ đi học lý luận chính trị. Đặc biệt là do cán bộ, công chức đi học nhiều gây ách tắc trong việc giải quyết công việc chuyên môn được giao ảnh hưởng việc phục vụ công dân, tổ chức. Trước đây, đã có thời gian công chức được tuyển dụng chính thức vào cơ quan nhà nước đã 3 - 4 năm lại bị yêu cầu đi học lớp “tiền công vụ”, học lại những kiến thức đã học trong trường cao đẳng, đại học gây bức xúc dư luận, phản ứng trong cán bộ, công chức. Đến nay, các tỉnh, thành hầu như không còn tổ chức các lớp học kiểu này nữa.

Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét việc công nhận những người đã tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội, đương nhiên có trình độ trung cấp lý luận chính trị không cần phải đi học trung cấp lý luận chính trị. Nhà nước nên khuyến khích cán bộ, công chức đi học đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc học cao cấp chính trị để phục vụ công tác, không nên để cán bộ có bằng đại học phù hợp với lý luận chính trị phải đi học lại... trình độ trung cấp không cần thiết như hiện nay. 

Vĩnh Linh


Ý kiến của bạn