Bắt giữ tàu chở dầu Anh – lựa chọn khó khăn của Iran

21-07-2019 16:35 | Quốc tế
google news

SKĐS - Căng thẳng Anh và Iran bị đẩy lên một nấc thang mới, đặc biệt khi mới đây, lực lượng vũ trang cách mạng Iran đã công bố một đoạn video cho thấy hình ảnh như trong một bộ “phim hành động” diễn tả trực thăng và tàu cao tốc của Iran đang có những hành động vây bắt tàu chở dầu Anh. Hành động đã khiến bầu không khí ở Vùng Vịnh trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Xem video trực thăng, tàu cao tốc Iran truy đuổi, bắt giữ tàu dầu Anh

Tàu chở dầu Anh bị  máy bay, tàu cao tốc Iran rượt đuổi trên biển?

Đó là con tàu chở dầu Stena Impero  mang cờ Anh bị Iran vây  bắt hôm 19/7  ở eo biển Hormuz với cáo buộc không tôn trọng các quy tắc hàng hải quốc tế. Một quan chức Iran cho biết tàu chở dầu Stena Impero  đã dính líu vào một vụ tai nạn với tàu cá Iran trước đó. Người đứng đầu Tổ chức Hàng hải và Cảng ở tỉnh Hormozgan,  Iran cho biết, khi tàu cá phát tín hiệu cầu cứu, tàu mang cờ Anh đã phớt lờ.  Điều đáng nói, va chạm giữa Iran và Anh xảy ran gay  tại eo biển Hormuz là tuyến hàng hải chở dầu quan trọng nhất thế giới.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran cho biết, tàu Stena Impero được treo cờ Anh do Công ty Stena Bulk, Thụy Điển vận hành đã bị bắt giữ khi nó di chuyển qua tuyến đường thủy chính của Vùng  Vịnh.  Một quan chức Vương quốc Anh cho biết, một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia tên là HMS Montrose, đã cố gắng đến hỗ  trợ cho tàu Stena Impero nhưng họ đến quá muộn.

Hình ảnh máy bay Iran truy đuổi tàu mang cờ Anh

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Penny Mordont  cho  rằng,  khi bị quân đội Iran bắt giữ, tàu Stena Impero đang ở vùng biển của Oman chứ không phải vùng lãnh hải Iran. Trong khi đó  Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt  trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, đã gọi vụ việc này là một hành động không thể chấp nhận được, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến vận tải biển của Anh nói riêng và quốc tế nói chung tại eo biển Hormuz.

Hiện con tàu Stena Impero đang neo tại cảng Bandar Abbas của Iran, 23 thủy thủ bị ở lại trên tàu cho đến khi cơ quan chức năng Iran điều tra xong. Tuy nhiên có đến 18 thủy thủ là người mang  nhiều quốc tịch như Ấn Độ, Nga, Latvia, Philippines. Các nước có thành viên thủy thủ đoàn như Nga, Ấn Độ, Philippines cho biết họ đang liên lạc với phía Iran để trả tự do cho công dân của mình có mặt trên tàu.

Một số nước châu Âu như Đức, Pháp tuyên bố quan ngại sâu sắc trước vụ bắt giữ phi lý này, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với Anh. Về phần mình, Anh sử dụng ngay các biện pháp ngoại giao để can thiệp. Bộ Ngoại giao Anh đã triệu tập tham tán Iran để phản đối. Chưa dừng lại ở đó, Anh còn thông  báo lên Hội đồng bảo an  LHQ về việc Iran giam giữ tàu của mình và cho rằng đây là một sự “can thiệp bất hợp pháp”.

Tàu Anh đang neo đậu trên cảng Iran

Iran  gửi thông điệp tới Mỹ và châu Âu

Không phải ngẫu nhiên  vụ bắt giữ này xảy ra. Tehran đã nhiều lần đe dọa sẽ trả đũa Anh vì quyết định của Anh bắt giữ một tàu chở dầu Iran bị nghi ngờ buôn lậu dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Dư luận cho rằng, bắt giữ tàu chở dầu Anh chỉ là “một phép thử” của Iran đối với Mỹ và châu Âu. Bởi chỉ 24 giờ trước đó, Mỹ tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái của  Iran  khi chiếc máy bay có hành động nguy  hiểm  gần với một tàu chiến của Mỹ trên biển.  Mới đây nhất,  động thái như “đổ thêm dầu vào lửa” của Mỹ là lên kế hoạch thực hiện chiến dịch hàng hải đa quốc gia ở khu vực, đồng thời gửi thêm quân tới Saudi Arabia.

Dường như Iran đang mất dần sự kiên nhẫn  đối với các nước châu Âu, khi các nước châu Âu  không có bất cứ một động thái nào rõ ràng để bảo vệ “Thỏa thuận hạt nhân” năm 2015. Chuyên gia tại Trường ĐH Tehran, Iran ông Hamed Mousavi cho biết , những tổn thất do trừng phạt của Mỹ gây ra đối với quốc gia Hồi giáo này không hề được bù đắp, giờ đây là lúc Iran chứng tỏ sức mạnh của mình, rằng họ có đủ khả năng để đối phó với những sức ép cũng như sự khiêu khích của các nước Phương Tây.

Ngoài ra, khi căng thẳng xung đột leo thang, Iran tạo  thêm cho mình một “vũ khí lợi hại”, có sức nặng  trên bàn đàm phán sau này với những “người khổng lồ” như Mỹ và châu Âu.  Chiến lược mà Iran đang theo đuổi là gia tăng sức ép với châu Âu, và quốc tế buộc Mỹ thay đổi chính sách.   Đây là mục tiêu và cái đích mà Iran đang hướng tới, nhưng việc cán đích thể nào, một mình Iran không thể là bên quyết định….


Trần Hải
Ý kiến của bạn