Hà Nội

Bắt giữ hàng trăm hộp thuốc, thiết bị y tế chống dịch COVID-19 nhập khẩu trái phép

28-08-2021 15:23 | Thị trường

Lực lượng chức năng đã thu giữ 180 bộ kit test nhanh COVID-19 và 330 hộp thuốc Arbidol. Được biết, trên các chợ mạng Arbidol được quảng cáo là "thần dược" chữa COVID-19...

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu) đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra thực tế 4 lô hàng vi phạm. Đây là 4 lô hàng nhập khẩu từ Nga về sân bay quốc tế Nội Bài ngày 17/8 và 24/8.

Thuốc Arbidol được quảng cáo điều trị Covid-19 nhập khẩu trái phép từ Nga về Việt Nam - Ảnh 1.

Lực lượng hải quan kiểm tra lô hàng vi phạm. (Ảnh: Tổng cục Hải quan cung cấp)

Theo Tổng cục Hải quan, trên thông tin vận đơn và khai báo hải quan hàng hóa của các lô hàng trên là hàng gom, quà tặng, thiết bị rèn luyện thể chất, lọ hoa bằng thủy tinh, đầu đọc đĩa CD, khung tranh bằng gỗ, đèn trang trí, rèm… Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng hải quan xác định lô hàng có chứa nhiều hàng hóa vi phạm.

Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu giữ 180 bộ kit test nhanh COVID-19 và 330 hộp thuốc Arbidol. Được biết, trên các chợ mạng Arbidol được quảng cáo là "thần dược" chữa COVID-19 và được nhiều người lùng mua. Tuy nhiên, loại thuốc này không được Bộ Y tế khẳng định có chức năng điều trị COVID-19. Tại Nga và Trung Quốc, thuốc Arbidol được dùng làm thuốc kháng virus điều trị bệnh cảm cúm.

Thuốc Arbidol được quảng cáo điều trị Covid-19 nhập khẩu trái phép từ Nga về Việt Nam - Ảnh 2.

Lô thuốc Arbidol nhập khẩu trái phép bị phát hiện.

Thu giữ thuốc, thiết bị y tế chống dịch COVID-19 nhập khẩu trái phép qua đường hàng không - Ảnh 3.

Các bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu.

Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc cho biết thêm, mặt hàng thuốc và kit test nhanh COVID-19 là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu. Nhưng ở thời điểm kiểm tra, 4 lô hàng trên không có giấy phép theo quy định.

Ngoài ra, trong 4 lô hàng vi phạm, lực lượng hải quan còn thu giữ 5.980 bao thuốc lá điện tử nhãn hiệu Heets và 60 chai rượu ngoại. Đây cũng là những mặt hàng nhập khẩu có điều kiện nhưng không được khai báo và có giấy phép liên quan theo quy định.

Hiện, cơ quan chức năng đã niêm phong lô hàng trên, chờ điều tra và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Được biết, lợi dụng nhu cầu tăng cao nên nhiều đối tượng bất chấp quy định để nhập lậu các bộ test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 về bày bán trong nước. Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và triệt phá nhiều trường hợp.

Cách đây ít lâu, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện gần 500 bộ kit test nhanh COVID-19 và 100 hộp thuốc điều trị COVID-19 có nguồn gốc nhập lậu. Cụ thể, ngày 15/8, tại khu vực sau Bến xe khách Móng Cái (thuộc địa phận phường Ka Long, TP Móng Cái), Đội Kiểm soát liên hợp 1 thuộc Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh đã bắt giữ 480 bộ kit test nhanh virus SARS-CoV-2 và 100 hộp viên nang (con nhộng) điều trị COVID-19. Số hàng hóa này có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Thu giữ thuốc, thiết bị y tế chống dịch COVID-19 nhập khẩu trái phép qua đường hàng không - Ảnh 4.

Thuốc điều trị COVID-19 có nguồn gốc nhập lậu từ Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 12/8, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính đối với container chứa hàng hóa đậu trong khuôn viên Kho 601 (Quốc Lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh). Toàn bộ hàng hóa thuộc sở hữu của bà Bảo Nguyễn Thị Thùy (SN 1990).

Qua kiểm đếm hàng hóa thực tế, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều kiện hàng hóa bên ngoài không có thông tin tên và số điện thoại. Cụ thể, có 13.828 đơn vị sản phẩm gồm: mặt hàng máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy, thực phẩm bao gói sẵn, quần áo may sẵn, phụ tùng xe gắn máy, phụ kiện điện thoại… thuộc các hiệu do Trung Quốc và Mỹ sản xuất.

Toàn bộ số hàng hóa trên đều có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có tài liệu liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Trong số đó có nhiều nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. 

Có thể nói, trước tình hình dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là các mặt hàng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Xem thêm video đang được quan tâm

Xúc động y bác sĩ viết đơn xin ở lại bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19


T.H (th)
Ý kiến của bạn