Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội vừa bắt khẩn cấp Đỗ Văn Đạt và Đỗ Văn Hoàng (cùng SN 1988, trú tại Thanh Trì - Hà Nội) để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Cụ thể, Đạt và Hoàng đã đặt làm tại Trung Quốc hàng nghìn bộ ổn định nhiệt bình nóng lạnh giả các thương hiệu nổi tiếng. Đáng lo ngại là những thiết bị này rất khó phân biệt so với sản phẩm thật, đặc biệt dễ rò điện, chập điện gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Tinh vi sử dụng tên giả khi giao dịch với khách hàng
Ngày 6/11, tại cửa hàng vật tư điện lạnh thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tuyến Diễn (ở 26B đường Phạm Hùng, Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội), lực lượng chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP. Hà Nội đã phát hiện và kiểm tra Đỗ Văn Đạt đang vận chuyển 1.000 bộ ổn định nhiệt bình nóng lạnh mang nhãn hiệu AMTs giả cùng 700 bộ bộ ổn định nhiệt bình nóng lạnh nhãn hiệu Ariston giả đem đến giao tại cửa hàng.
Qua điều tra, Cơ quan công an xác định, Đỗ Văn Đạt từng là nhân viên bán hàng của Công ty cổ phần thương mại vật liệu xây dựng Minh Tuấn, chủ nhãn hiệu AMTs. Do biết các sản phẩm AMTs, Ariston đang bán chạy trên thị trường nên Đạt đã cùng Đỗ Văn Hoàng bỏ vốn chung, đặt làm giả các sản phẩm trên từ Đông Hưng (Trung Quốc) đưa về Việt Nam để bán kiếm lời. Hai đối tượng đặt in các bao bì nilon có chữ nước ngoài, cho sản phẩm giả vào trong và dùng máy hàn nhiệt dán lại đem đi tiêu thụ.
Theo Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó Trưởng phòng PC 46, để che giấu thân phận cũng như hành vi vi phạm pháp luật của mình, Đạt sử dụng tên là Đỗ Văn Thành để giao dịch với khách hàng. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đạt và thu giữ hàng nghìn sản phẩm linh kiện thiết bị vệ sinh do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa; 40kg bao bì sản phẩm và hai chiếc máy dán bao bì sản phẩm...
Nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng
Liên quan đến vụ việc này, Thượng tá Thành Kiên Trung cũng cho biết, đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu Ariston và AMTs đã xác định số hàng hóa do các đối tượng Đạt và Hoàng bán cho Công ty Tuyến Diễn không phải hàng do công ty sản xuất. Hành vi vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm là bộ ổn định nhiệt bình nóng lạnh giả với số lượng lớn của Đỗ Văn Hoàng và Đỗ Văn Đạt gây thiệt hại cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chân chính.
Đề cập đến nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng, Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Đội chống buôn lậu (PC46 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, bằng mắt thường rất khó để phân biệt giữa sản phẩm giả và sản phẩm thật. Việc sử dụng thiết bị ổn định điện bình nóng lạnh giả là rất nguy hiểm, có thể bị rò rỉ điện, chập điện dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp sự an toàn của khách hàng. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi, người mua nên chọn những sản phẩm có nhãn mác, tem chống hàng giả, không nên mua những sản phẩm có giá rẻ bất thường so với giá thị trường. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn biến rất nghiêm trọng. Bất cứ mặt hàng nào có khả năng sinh lợi đều có thể bị làm giả, từ thực phẩm, rượu bia, mỹ phẩm, thời trang, hàng điện tử đến vật liệu xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật,... Theo tính toán của VATAP, hiện tại Việt Nam có khoảng trên 31 ngành hàng bị làm giả. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Vĩnh Sơn