Ngày 19/12, Công an TP Đà Nẵng tống đạt các quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Võ Thành Tám (31 tuổi, trú xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) – Giám đốc Công ty thép Tầm Cao (văn phòng đại diện tại đường 30/4 Đà Nẵng) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 174 BLHS.
Cùng với tống đạt các quyết định nêu trên, Phòng Cảnh sát hình sự cũng tiến hành khám xét nơi ở của Võ Thành Tám tại xã Bình Đào để phục vụ công tác điều tra.
Khoảng giữa tháng 3/2023, ông Lê Hoài Dũng (Giám đốc Công ty TNHH Khuôn An Khang, TP. Hồ Chí Minh) đến Đà Nẵng gặp Võ Thành Tám để đặt mua 25 tấn nhôm loại 96% với giá hơn 1,2 tỉ đồng. Sau khi thống nhất, ông Dũng đặt cọc 30%, số tiền còn lại thanh toán sau khi kiểm tra chất lượng và lập biên bản giao nhận tại cảng Khâm Châu (Trung Quốc).
Để qua mặt đối tác, Tám không ký hợp đồng bản gốc đưa cho ông Dũng mà chỉ ký hợp đồng scanner chuyển cho đối tác và yêu cầu thanh toán 30% số tiền (tương đương hơn 363 triệu đồng).
Sau 3 ngày chuyển tiền cọc, hàng được chuyển đi tuy nhiên khi nhận hàng, ông Dũng phát hiện hàng không đúng nên yêu cầu Tám giao hàng khác hoặc trả lại tiền. Tuy nhiên Tám đã không thực hiện nên ông Dũng trình báo cơ quan Công an.
Tương tự, đầu tháng 6/2023, Tám đến Công ty Stavian gặp nhân viên mua nguyên liệu. Thấy báo giá của Công ty thép Tầm Cao rẻ hơn thị trường nên Công ty Stavian đã ký hợp đồng mua 100 tấn nhôm với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng, chuyển trước 200 triệu đồng tiền cọc.
Nhận tiền xong, Tám thông báo giá nhôm tăng cao, nếu Công ty Stavian mua tiếp thì sẽ vẫn giữ nguyên giá. Hai bên làm hợp đồng thứ hai có nội dung mua số lượng 1.000 tấn, trị giá 45 tỷ, cọc trước 1 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ 2 lần cọc với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng, Tám không thực hiện theo thỏa thuận, cũng không trả lại tiền.
Có được hợp đồng mua bán nhôm của mình với Công ty Stavian, Tám lấy làm "bình phong", sau đó đưa cho bạn là chị Phùng Thị Thanh Tâm (trú tỉnh Quảng Trị) xem. Đồng thời đề nghị chị này đưa tiền để Tám làm "lộ phí" đi lại mua bán nhôm. Sau khi giao dịch xong sẽ thanh toán lại cho chị Tâm.
Do tin tưởng nên chị Tâm đã nhiều lần chuyển cho Tám với tổng số tiền 730 triệu đồng. Ngoài ra, Tám sử dụng hình ảnh số dư tài khoản 7,5 tỷ đồng của mình trước đây, nhưng nói dối với chị Tâm là tài khoản bị khóa. Tám muốn rút 1 tỷ thì phải đóng phí 60 triệu đồng. Tám dùng điện thoại khác đóng vai nhân viên ngân hàng nhắn tin trao đổi với mình về nội dung duyệt hồ sơ vay.
Từ đó, Tám tiếp tục yêu cầu chị Tâm cho mượn tiền để đáo hạn ngân hàng... Sau khi nhận tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, Tám trả lại cho chị Tâm 126 triệu đồng, còn gần 1,4 tỷ đồng thì không trả nợ và cắt đứt mọi liên lạc.
Nạn nhân tiếp theo là chị Đỗ Thị Tuyết Minh (trú quận Hà Đông, TP Hà Nội), đầu năm 2023, Tám gặp chị Minh rủ góp vốn mua nhôm bán cho công ty Shaoguan (Trung Quốc) theo hợp đồng trị giá 62 tỷ. Để chị Minh tin tưởng, Tám gửi qua Zalo hình ảnh yêu cầu Công ty Shaoguan chuyển hơn 2 triệu USD để công ty Tám mua hàng nhôm.
Từ ngày 1/7 - 5/8, chị Minh nhiều lần chuyển tiền để Tám mua hàng (với tổng số tiền hơn 6,4 tỉ đồng) nhưng Tám không mua nhôm như thỏa thuận mà lấy tiền sử dụng vào việc riêng.
Hiện nay, Cơ quan Công an đang điều tra làm rõ sự việc.