Nhiều chủ đầu tư lớn đã tung ra hàng loạt sản phẩm là công trình xây dựng đa năng kết hợp với chức năng để ở như condotel (căn hộ khách sạn), hometel (nhà ở khách sạn) và resort (khu nghỉ dưỡng cao cấp). Việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng là đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế và du lịch một số địa phương. Tuy vậy, sự phát triển ồ ạt loại hình này cũng khiến không ít người băn khoăn.
Hiện thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tại một số địa phương ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc phát triển mạnh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo số liệu báo cáo của 16 tỉnh, thành phố ven biển có dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn thì năm 2017 có khoảng 77 dự án với 16.437 phòng khách sạn, 11.174 căn biệt thự, 12.056 căn hộ khách sạn (condoltel) đã và đang được đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, tính pháp lý của loại hình BĐS này đang gặp nhiều vướng mắc bởi chưa được đề cập đến trong các văn bản luật hiện hành. Hiện vẫn có nhiều ý kiến đa chiều trước thông tin khi khách hàng đầu tư căn hộ dự án nghỉ dưỡng (condotel) sẽ được cấp sổ đỏ vĩnh viễn. Về vấn đề này, theo Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), condotel là một loại hình mới và hiện chưa có dự án nào được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (hay còn gọi sổ hồng). Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về vấn đề cấp sổ, pháp lý cho condotel. Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, các căn hộ khách sạn du lịch được cho phép cấp sổ đỏ theo Nghị quyết Trung ương nhưng không hình thành sổ hộ khẩu. Quyền sử dụng condotel rất lâu dài nhưng Luật Đất đai hiện nay không đề cập đến loại hình này, cũng chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn cụ thể về loại hình đầu tư này.
Hơn nữa, việc chậm trễ trong hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình condotel, cộng với việc một số chủ đầu tư cam kết tỷ lệ lợi nhuận hàng năm quá cao nhưng tính ràng buộc thực hiện trả lợi nhuận như cam kết cũng chưa chắc chắn, đã làm ảnh hưởng đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Do hình thức đầu tư BĐS này còn khá mới mẻ ở nước ta, nên hệ thống pháp luật chưa theo kịp và khi có tranh chấp phát sinh thì chưa có chế tài, quy định giải quyết rõ ràng, thỏa đáng. Trong đó, đầu tiên phải nhấn mạnh tới việc pháp luật xây dựng chưa có các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn theo thẩm quyền cụ thể, sở hữu, kinh doanh các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
Hiệp hội BĐS Việt Nam dự báo, năm 2018, phân khúc condotel tiếp tục phát triển mạnh tại các thành phố du lịch, đặc khu kinh tế mới thành lập. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt loại hình này sẽ có thể dẫn đến tình trạng dư cung cục bộ trong ngắn hạn. Đặc biệt, tính pháp lý quan trọng như quyền sở hữu lâu dài đối với loại hình BĐS condotel có được chấp thuận hay không cũng sẽ là một rào cản tâm lý rất lớn đối với nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai hiện hành mới chỉ xác định đất sử dụng cho mục đích du lịch, nghỉ dưỡng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (Điều 10, Luật Đất đai năm 2013), mà chưa có các quy định cụ thể về cơ chế sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng), cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình BĐS này.
Ngoài ra, còn nhiều điểm nghẽn nữa cũng được nhắc tới trong thời gian qua như việc Luật Nhà ở năm 2014 chưa cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư (Điều 159, Luật Nhà ở năm 2014), hay Luật Đất đai năm 2013 chưa có các quy định cụ thể, đồng bộ về thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với dự án đất phi nông nghiệp, trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án condotel...
BĐS nghỉ dưỡng cần được gỡ vướng mắc. Đồng thời với những lý do trên, nhà đầu tư nên cân nhắc các quyết định của mình, tránh đầu tư quá mạnh tay, rồi khi không được như kỳ vọng, sẽ nảy sinh tranh chấp, thậm chí thiệt hại kinh tế.