Bất đồng cách tính giá bảo hiểm: Sẽ sớm có quy định tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện

05-06-2019 08:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, do định mức chi chưa sát với cơ cấu giá thành, giá thu dịch dịch vụ y tế.

Chia sẻ trong buổi họp báo thông tin về 5 năm thực hiện đổi mới phong cách thái độ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; bệnh viện xanh-sạch-đẹp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đổi mới cơ chế tài chính-BHYT do Bộ Y tế tổ chức, Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm, cho biết:

BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng, do định mức chi chưa sát với cơ cấu giá thành, giá thu dịch vụ y tế.

Bộ Y tế đã báo cáo tình hình với Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu BHXH Việt Nam thanh toán cho các bệnh viện theo nguyên tắc: Số lượng dịch vụ chưa thanh toán nhân với giá thành. Đối với định mức chi chưa sát với giá thành, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh.

Hiện nay, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) đang soạn thảo các quy định cụ thể và trình các bên có liên quan thẩm định, trong thời gian sớm nhất sẽ ban hành quy định hướng dẫn Nghị quyết 30 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Lê Văn Khảm cũng thông tin, trong Luật BHXH đã quy định: Trong mọi trường hợp, khi cơ sở khám, chữa bệnh đề nghị thanh toán, cơ quan BHXH phải thanh toán tạm ứng 80% số đề nghị, còn lại sẽ thanh thanh toán sau (có thể vào kỳ quyết toán cuối năm đó).

Do đó, trong lúc chờ đợi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn, các bệnh viện vẫn sẽ được đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động tốt.

BHXH Việt Nam hiện đề nghị chưa thanh toán khoảng 3.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ

Một trong những nội dung Bộ Y tế rất quan tâm và thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của ngành là việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

Về nhiệm vụ này, Bộ Y tế cho biết đã xây dựng và trình Chính phủ Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số (thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP), theo hướng đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế, trên cơ sở đó đổi mới phương thức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể: Phân loại đơn vị làm 4 nhóm: (1) tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; (2) tự bảo đảm chi thường xuyên; (3) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và (4) đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Số lượng các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng. Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị, riêng Bộ Y tế đã có 26/45 bệnh viện trực thuộc tự chủ chi thường xuyên, chiếm 57,7% số Bệnh viện trực thuộc. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép thí điểm 04 Bệnh viện tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư (chuyển từ nhóm tự chủ chi thường xuyên lên).

Các đơn vị có mức độ tự chủ tài chính cao thì được tự chủ cao hơn trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và sử dụng nguồn tài chính.

Đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị của các đơn vị, đặc biệt là các đơn thuộc nhóm 1 - tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo hướng thành lập Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động, tài chính của đơn vị. Các đơn vị nhóm 2 phải thành lập Ban kiểm soát để giám sát hoạt động của đơn vị.

Các đại biểu giải đáp thắc mắc của báo chí.

Các đơn vị nhóm 1, nhóm 2 được quyết định đề án vị trí việc làm và số lượng người làm việc nhưng phải bảo đảm điều kiện làm việc cho số nhân lực này. Được áp dụng cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, trả lương theo kết quả hoạt động, hạch toán vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế.

Riêng đơn vị nhóm 3, 4 phải có chênh lệch thu lớn hơn chi mới được chi thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ.

Ngoài ra, quy định cụ thể Ngân sách Nhà nước bảo đảm đối với các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, các Trung tâm y tế huyện đa chức năng. Các đơn vị cung ứng được ít dịch vụ, thu không đủ chi thì vẫn tiếp tục được NSNN bảo đảm phần tiền lương còn thiếu, tiền lương tăng thêm do điều chỉnh chính sách tiền lương (ví dụ BV YHCT, Điều dưỡng PHCN, bệnh viện ở vùng khó khăn, thu BHYT là chủ yếu).

Quy định quyền tự chủ của các đơn vị trong việc xã hội hóa, hợp tác công tư, thuê tài sản, sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, 20-NQ/TW, Nghị quyết số 93 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế và các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài công.

Trước đó, như báo chí đã thông tin, nhiều bệnh viện vừa mới bắt đầu chuyển mình, thực hiện tự chủ tài chính ở mức độ 2 về các mặt: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tự chủ chi thường xuyên, chưa tự chủ về chi đầu tư, thì đã vướng nợ hàng chục tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội do những bất đồng trong cơ chế chính sách và tính giá dịch vụ bảo hiểm y tế.

Dương Hải
Ý kiến của bạn