Gọi là “sự cố y khoa” vì những mất mát không thể bù đắp của người bệnh và gia đình có thể do lỗi lầm, sai sót của nhân viên y tế, nhưng cũng có thể không do một lỗi lầm, sai sót cụ thể nào được phát hiện.
Sự cố y khoa là gì?
Sự cố y khoa (tiếng Anh là medical events hay advert events) được định nghĩa là tai biến gây hại người bệnh xảy ra khi người bệnh đang được điều trị bằng thuốc hay bằng phương thức trị liệu nào khác.
Nếu sự cố y khoa xảy ra do lỗi lầm, sai sót của nhân viên y tế thì được gọi là “sai sót y khoa” (medical errors). Sai sót y khoa hoặc nhầm lẫn y tế xảy ra khi người làm công tác y tế làm sai công việc được hoạch định của quy trình chăm sóc sức khỏe hoặc làm đúng nhưng công việc đó lại không phù hợp đưa đến tai biến y khoa mà nặng nhất là tử vong.
Trong sai sót y khoa, ngoài sai sót trong chẩn đoán, sai lầm trong phẫu thuật, bỏ sót trong điều trị, sai sót phổ biến nhất là sai sót dùng thuốc. Trong một khảo sát sai sót tại 2 Khoa Hồi sức ngoại và Hồi sức tích cực ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM được báo cáo cách đây không lâu, trên 2.200 liều thuốc đã được sử dụng đã có tỷ lệ sai sót ở Khoa Hồi sức ngoại hơn 72%, còn ở Khoa Hồi sức tích cực cũng gần 60%. Trong một nghiên cứu ở Mỹ, người ta nhận thấy sai sót dùng thuốc là loại sai sót y khoa xảy ra nhiều nhất, hằng năm làm tổn hại sức khỏe cho khoảng 1 triệu rưỡi người Mỹ. Sai sót y khoa thường có nhiều thành viên liên đới trách nhiệm và vì vậy, ngoài sai sót mang tính cá nhân còn có những sai lầm mang tính hệ thống gọi là sai sót hệ thống. Thống kê nghiên cứu cho thấy, các trường hợp tử vong do sai sót y khoa cá nhân chiếm 30%, phần lớn nguyên nhân (70%) là do lỗi hệ thống.
Rủi ro sai sót trong y khoa rất cần dư luận cảm thông. (Ảnh minh họa)
Nếu sự cố y khoa xảy ra không thể xác dịnh do lỗi lầm, sai sót cụ thể của nhân viên y tế thì chỉ gọi là sự cố y khoa và trong thực hành y khoa, người ta chấp nhận tình trạng không phải lúc nào mọi việc trong hoạt động y dược đều đưa đến kết quả vuông tròn 100%. Không giống như trong toán học, hễ cộng 2 với 2 là 4, dù muốn hay không là kết quả phải luôn như vậy. Còn trong thực hành y khoa, kết quả điều trị đưa đến là thấp hơn, thậm chí là trái ngược với kỳ vọng có khi là bình thường. Vì sao như vậy?
Bất định trong thực hành y khoa
Bất định (uncertainty) hay “không chắc chắn” là một đặc tính quan trọng trong thực hành y khoa. William Osler - một bác sĩ nội khoa nổi tiếng và được kính trọng đã từng nói: “Y học là khoa học của bất định và là nghệ thuật của may rủi/ngẫu nhiên”.
Thật vậy, hầu như bất cứ nhận định nào trong y khoa cũng đều mang tính bất định và không chắc chắn. Các phương pháp điều trị đều dựa trên các chứng cứ khoa học (evidence) và kèm theo xác suất nhất định. Ngay cả chẩn đoán y khoa cũng là một vấn đề xác suất. Ví dụ khi bạn đi xét nghiệm và có kết quả “dương tính” một bệnh nào đó, bạn có thật sự bị bệnh? Thật ra, trong thực tế thì phải nói là “có khả năng mắc bệnh cao”, thậm chí bạn không mắc bệnh nếu trường hợp bạn là dương tính “giả”.
Các can thiệp y khoa khác, từ tiêm chủng cho tới mổ xẻ đều như vậy, luôn kèm theo một sự bất định. Đối với việc dùng thuốc trị bệnh thì càng có sự bất định. Đọc thông tin thấy như vậy, “thuốc A có tác dụng diệt khuẩn 80%”. Nó không có nghĩa chắc chắn: “Thuốc A có tác dụng diệt khuẩn!” mà chỉ có nghĩa thuốc A chỉ diệt khuẩn ở chừng mực nào đó và có khi người bệnh dùng thuốc A mà chẳng cải thiện bệnh nhiễm khuẩn chút xíu nào! Hoặc về ADR (phản ứng có hại) của thuốc, thứ này thì thật bất định. Rất nhiều người dùng thuốc B thì chẳng việc gì nhưng có rất ít người, thậm chí chỉ vài người dùng thuốc B thì bị ADR rất nặng là sốc phản vệ và tử vong. ADR sốc phản vệ được liệt vào loại sự cố y khoa nhiều khi chẳng có nhầm lẫn, sai sót của nhân viên y tế nào cả, người bệnh bị sốc phản vệ do thuốc có thể xem “trời kêu ai nấy dạ”... Quan trọng là chấp nhận tình trạng sốc phản vệ do thuốc và có cách xử lý phù hợp hậu quả nghiêm trọng của nó.
Ứng xử đúng mực đối với bất định trong thực hành y khoa
Nghề y là một ngành khoa học cần có những dữ liệu, bằng chứng khoa học, những quy trình, phác đồ chính xác. Không tuân thủ những điều vừa kể thì chắc chắn dẫn đến những sai sót của người hành nghề y, từ sai sót do lỗi cá nhân đến sai sót do lỗi hệ thống. Nhưng y khoa là ngành khoa học liên quan đến con người, có những điều gọi là bất định trong thực hành y khoa, có những sự cố y khoa mà nguyên nhân tiềm ẩn chưa hoặc thậm chí sẽ không được nhận diện rõ ràng, vì vậy phải có cách ứng xử đúng mực. Đối với người hành nghề y, đó là luôn có sự thấu cảm sâu sắc trước nỗi đau của người bệnh. Ngược lại, đối với người bệnh, gia đình người bệnh và cả xã hội, họ cần có sự thông cảm, chia sẻ những nỗ lực, khó khăn của người hành nghề y.
Cần nhận thức lỗi từ cá nhân người thầy thuốc có liên quan chặt chẽ đến năng lực chuyên môn và tính cẩn trọng trong công việc. Để phòng tránh các sai sót y khoa, các thành viên trong hệ thống chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… phải toàn tâm toàn ý trong công việc, luôn tìm cách nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, luôn chú tâm sửa chữa những chi tiết vặt vãnh dẫn đến sai sót dùng thuốc (như viết chữ xấu khó đọc khi bác sĩ kê đơn, hoặc khi dược sĩ ghi hướng dẫn dùng thuốc mà người bệnh không đọc được…) và nhất là xem bệnh nhân chính là một thành viên tích cực trong đội ngũ chăm sóc sức khỏe rất cần được thông tin đầy đủ về việc chăm sóc sức khỏe của mình.
Còn đối với người bệnh, gia đình người bệnh và cả xã hội, cần biết rằng sự cố y khoa có thể bắt nguồn từ lỗi cá nhân nhưng cũng có thể do lỗi hệ thống hoặc do bất định trong thực hành y khoa. Và bất định trong thực hành y khoa thì chính người thầy thuốc cảm thấy bất lực, hoảng loạn và sợ hãi. Vì vậy, rất cần có sự cảm thông. Cảm thông đây không có nghĩa là bao che, xuê xoa các lỗi cá nhân mà chính là không gắn những ác ý vào những sự cố y khoa đó. Hoặc có những hiểu biết không đầy đủ và tâm lý quá bức xúc, không chỉ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về nghề y mà còn có những hành vi bạo lực không thể chấp nhận được như đã xảy ra ở nước ta trong thời gian qua.