Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay là “Đầu tư cho thanh niên” nhấn mạnh đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho giới trẻ để nâng cao chất lượng dân số. Trước tỉ lệ mang thai vị thành niên, mang thai ngoài ý muốn luôn ở mức báo động, thì vấn đề đầu tư cho giáo dục giới tính trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng. Mặc dù đã được đề xuất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn gặp nhiều hạn chế, thậm chí là còn bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia về giới, một buổi ngoại khóa diễn kịch với chủ đề về giới tính tổ chức cho các em thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15 với những tình huống hài hước về giới tính được chính các em đưa vào trong câu thoại của vở kịch. Thế nào là quan hệ tình dục an toàn? Cơ chế lây của các căn bệnh tình dục? Những câu hỏi về sự thay đổi của cơ thể trong tuổi dậy thì cũng được các em đặt ra và cùng nhau giải đáp. Thực tế, khi tham gia chương trình giáo dục sức khỏe giới tính các em thấy rất bổ ích và lý thú, các em có thể hiểu thêm về cơ thể mình, hiểu thêm về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục mà từ trước đến giờ gia đình vì những lý do bảo thủ chưa bao giờ cho các em biết, từ đó, chính các em có thể chia sẻ với bố mẹ và mọi người xung quanh.
Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số tại 2 Trường THCS tại Hà Nội năm 2014 cho thấy, 69% học sinh cấp 2 khẳng định cha mẹ chưa từng có bất cứ cuộc nói chuyện về giới tính sức khỏe sinh sản nào với con trong 1 năm trở lại đây. Thậm chí đối với những kiến thức thường xuyên được giảng dạy tại nhà trường như các đường lây truyền của HIV vẫn có đến 50% các em trả lời sai. Như vậy, công tác giáo dục giới tính trong nhà trường không chỉ thiếu mà còn không hiệu quả.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, việc đầu tư kiến thức cho các thế hệ tương lai cần theo hai hướng chính, thứ nhất là tạo cơ hội cao nhất cho đối tượng vị thành niên, thanh niên tiếp cận với thông tin, kiến thức đúng về sức khỏe sinh sản tình dục. Thứ hai là cần cung cấp các cơ sở dịch vụ thân thiện với vị thành niên, thanh niên. Ngoài ra cần nghiên cứu và đưa giáo dục giới tính thành môn học trong nhà trường với từng cấp độ, theo lứa tuổi; 6 -7 tuổi; 8 -10 tuổi cung cấp kiến thức ở cấp độ nào; 10 - 15 tuổi ở mức độ nào; 15 - 18 tuổi ở mức nào. Cung cấp kiến thức sâu dần, theo lứa tuổi và theo sự phát triển của cơ thể.
Giáo dục giới tính thiếu và yếu dẫn đến hệ lụy đau lòng về sức khỏe sinh sản của thanh niên. Tỉ lệ nạo phá thai tại nước ta vẫn cao nhất khu vực Đông Nam Á và đứng trong 5 nước cao nhất thế giới. Đáng nói là những ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng tăng lên, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản khi cơ thể các em vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh. Nếu thanh thiếu niên hiểu cơ thể mình, nắm rõ kiến thức về giới tính, về sức khỏe sinh sản thì những câu chuyện đau lòng này sẽ không còn tái diễn.
Minh Hòa