Cụ thể, Điều 30 của Nghị định quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 500-1 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Uống rượu, bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; Xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với 1 trong các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia.
Hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong, nghỉ giữa giờ làm việc, học tập sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Liên quan đến các quy định về bán, cung cấp rượu, bia, Điều 31 Nghị định quy định phạt từ 1-3 triệu đồng hành vi bán, cung cấp rượu bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Không niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi tại vị trí dễ nhìn của cơ sở bán rượu, bia.
Điều 34 của Nghị định cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức trong phòng chống tác hại rượu, bia. Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức; Không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải không thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, theo Điều 36 của Nghị định, trường hợp con chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia, cha mẹ có thể bị phạt tiền đến 1 triệu đồng nếu trước đó cha mẹ không giáo dục, không giám sát, không nhắc nhở con không uống rượu, bia.
Liên quan đến nội dung xử phạt từ 1-3 triệu đồng cho hành vi lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, TS. Đoàn Văn Báu - Chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, hoàn toàn ủng hộ với đề xuất cụ thể này vì nó sẽ góp phần trực tiếp vào việc ngăn chặn các hành vi sử dụng rượu bia cũng như giảm tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, điều quan tâm nhất là tính khả thi và liệu nó có thực sự hiệu quả nếu đi vào triển khai hay không.
Về góc độ pháp lý, liên quan đến một số nội dung được quy định trong Nghị định 117, luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, chúng ta đã có Nghị định 100/2019/NĐ-CP về phòng chống tác hại của rượu bia, trong đó mức phạt khá nặng, cao nhất lên đến 30 triệu đồng. Nghị định 117 lần này mở rộng thêm phạm vi của Nghị định 100. Nếu Nghị định 100 chủ yếu hướng tới những người uống rượu bia tham gia giao thông thì Nghị định 117 mở rộng thêm các hành vi bị xử phạt như ép người khác uống rượu bia, không tổ chức các biện pháp phòng chống tác hại của rượu bia đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, mức phạt lên đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính thì phải căn cứ vào hành vi ép buộc người khác uống rượu bia. Đây là một căn cứ rất khó xác định. Về vấn đề chứng minh “ép buộc” người khác uống rượu bia thì cần phải có chứng cứ trực tiếp. Khi người uống rượu bia đã tham gia giao thông bị xử lý, lúc đó rất khó chứng minh ai là người ép buộc họ uống, không thể chỉ dựa vào lời khai của một người để kết luận ai ép uống rượu bia. Việc tìm ra chứng cứ chứng minh hành vi ép buộc uống rượu bia là rất khó. Bởi trên bàn nhậu sẽ không có nhiều người quay phim để làm bằng chứng, trừ trường hợp cố tình quay phim lại với động cơ khác.
Ngay cả trong trường hợp lực lượng chức năng phát hiện ngay trên bàn nhậu hành vi ép uống rượu bia, cũng rất khó có ai nhận là người khác ép mình uống. Bởi phần lớn những người đi nhậu cùng nhau đều có mối quan hệ bạn bè, quen biết. Nếu muốn quản lý một cách triệt để thì phải tốn lượng nhân lực lớn để lắp đặt, quản lý các hệ thống camera ở quán nhậu. Chỉ trong trường hợp đó thì mới đủ chứng cứ chứng minh các hành vi ép uống rượu bia.
“Tuy nhiên, Nghị định 117 cũng có nhiều điểm đảm bảo tính răn đe. Đó là quy định những nhân viên thực hiện hành vi uống rượu bia trong giờ làm việc cũng bị xử lý, dù không tham gia giao thông. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không cấm việc uống rượu bia tại công sở thì cũng bị xử lý. Tính ưu việt của Nghị định 117 nằm ở chỗ này”, luật sư Thủy cho biết.