Bắt đầu ngày mới bằng những cử chỉ đẹp

01-05-2009 15:03 | Thời sự
google news

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, việc chăm sóc sức khỏe của con người được đưa lên hàng đầu thì vấn đề y đức hay đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế càng trở nên cấp thiết.

Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, việc chăm sóc sức khỏe của con người được đưa lên hàng đầu thì vấn đề y đức hay đạo đức nghề nghiệp trong ngành y tế càng trở nên cấp thiết. Vì lẽ đó mà Bộ Y tế đã ban hành “Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp y tế” nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử cũng như đạo đức nghề nghiệp của người nhân viên y tế cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

Trung thực, chân thành, đoàn kết là những phẩm chất cần thiết của người CBVC sống và làm việc trong một tập thể, một tổ chức. Mỗi CBVC đều có một nửa quỹ thời gian sống trong gia đình, một nửa thời gian còn lại chúng ta sinh hoạt và làm việc trong cơ quan, tổ chức. Chính vì vậy mà có thể coi cơ quan như một gia đình thứ hai của mỗi chúng ta. Bầu không khí trong gia đình thứ hai cũng rất quan trọng trong sự phát triển của tập thể. Nếu các thành viên trong gia đình thứ hai không trung thực, không chân thành, không đoàn kết, gây bè cánh, thì liệu rằng hiệu quả công việc của chúng ta có cao không, có thành công được không, có đưa khoa, phòng tiến lên được hay không? Mỗi chúng ta hãy lấy sức mạnh tập thể làm vũ khí chiến lược để đưa khoa, phòng đi đến thành công, hãy xem đồng nghiệp của mình như anh như em trong nhà, như tay với chân, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ vì mục đích chung: chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

Chúng ta hãy bắt đầu một ngày mới bằng những cử chỉ đẹp, những câu nói đẹp, những mối quan hệ tốt đẹp để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam là tính tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Nét văn hóa này được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường. Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thì sự hợp tác trong công việc, trách nhiệm, tình thương là vô cùng cần thiết và không thể thiếu, nó sẽ giúp cho thầy thuốc có được phác đồ điều trị tối ưu nhất và người bệnh sẽ được hưởng sự chăm sóc tốt nhất. Song song với tinh thần hợp tác, giúp đỡ nhau xây dựng tập thể thì mỗi cá nhân cần phải thẳng thắn, đóng góp ý kiến cho nhau. “Thẳng thắn phê bình” không có nghĩa là bôi nhọ danh dự đồng nghiệp, làm “mất mặt” họ trước những đồng nghiệp khác, mà bằng sự khéo léo và nhẹ nhàng giúp đồng nghiệp của mình nhận ra được những thiếu sót để đồng nghiệp sửa chữa, hoàn thiện. Hãy chứng tỏ mình là người thân thiện với đồng nghiệp. Mặt khác chúng ta cũng cần phải biết tự phê bình, tự kiểm điểm lại mình để khắc phục, sửa chữa những mặt còn hạn chế, phát huy những mặt tích cực. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải nhạy cảm trước thái độ của người bệnh, gia đình người bệnh, điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp thì chúng ta mới chiếm được tình cảm cũng như sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh.

Nếu tất cả chúng ta đều thực hiện tốt “Quy tắc ứng xử của CBVC trong các đơn vị sự nghiệp y tế” là chúng ta đã nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cũng như chất lượng chăm sóc phục vụ người bệnh: “đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo”.

Bùi Thị Thanh Huyền


Ý kiến của bạn